I. Khái niệm:
Chứng Xung Nhâm ứ thấp ngưng kết là do ứ huyết ngưng kết ở hai mạch Xung Nhâm, ấp ủ sinh ra thấp rồi xuất hiện một loạt chứng trạng. Chứng này đa số do chính khí bất túc, bệnh tà nhân chỗ hư lọt vào Xung Nhâm gây nên; Hoặc do nội thương thất tình, công năng Tạng Phủ thất thường làm cho Xung Nhâm mất điều hoà gây nên bệnh.
Chứng trạng lâm sàng chủ yếu là: Một bên hoặc hai bên bụng dưới đau cự án; Nhưng cũng có trường hợp không đau; Hoặc bụng dưới có trưng hà, bài tiết nhiều đái hạ sắc trắng hoặc vàng, hoặc trắng đỏ lẫn lộn, hoặc chu kỳ thất thường và vô sinh.
Chứng Xung Nhâm ứ thấp ngưng kết thường gặp trong các bệnh “Băng lậu”, “Thống kinh”, “Đái hạ”, “Trưng Hà”, “Kinh nguyệt không đều” và “Không thụ thai” (vô sinh).
Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Xung Nhâm ứ trở.
II. Phân tích:
Ứ thấp ngưng kết ở Xung Nhâm là nguyên nhân của nhiều tật bệnh thuộc Phụ khoa. Nhưng vì nguyên nhân gây nên ứ thấp ngưng kết và bộ vị ngưng kết khác nhau nên chứng trạng lâm sàng cũng khác nhau rất xa:
Nếu chứng này do chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi đẻ chính khí bị yếu, chăm sóc không cẩn thận đến nỗi bệnh tà xâm nhập vào Bào cung hoặc Bào mạch, thường dẫn đến xuất huyết tử cung, đau bụng dưới, cự án, bệnh thường nặng ở thời gian mệt nhọc, sau khi tinh giao, sau khi đại tiện hoặc trước hoặc sau khi hành kinh, lượng đới hạ ra nhiều thậm chí trong Bào mạch có tích nước, hình thành những túi bọc tròn không có tính hoạt động. Điều trị nên điều khí hoạt huyết, lợi thấp thanh nhiệt, các vị thuốc thường dùng như Sài hồ, Chỉ thực, Xích thược, Cam thảo, Đan sâm, Bột tam thất, Cát căn, Bại tương thảo, Sinh ý dĩ, Ích mẫu thảo v.v…
Nếu do công năng của Can Tỳ mất điều hoà, khí uất ở Xung Nhâm không hoá được đến nỗi thấp và huyết tụ hình thành các khối sưng có hình dáng và tính hoạt động khác với loại nói trên, khối sưng này hình cầu, có thể di động, không áp thống, cỡ to nhỏ không đều, thường kèm theo cảm giác năng trệ, khó chịu ở bụng dưới. Thời kỳ đầu phần nhiều không có chứng trạng gì, nên rất khó phát hiện. Điều trị nên hoạt huyết lợi thấp, hoá ứ tiêu trưng, dùng bài Quế chi Phục linh hoàn (Kim Quĩ yếu lược) gia Nga truật, Nguyên hoa, Sinh Hoàng kỳ.
Nếu có thêm triệu chứng huyết hư, phù thũng, có thể dùng Đương qui Thược dược tán (Kim Quỹ yếu lược) Gia Quế chi, Ích mẫu thảo.
Loại chứng bệnh trên, đa số phát sinh ở phụ nữ lứa tuổi 35 trở lên và đã có gia đình, rất ít gặp ở người chưa có gia đình. Loại bệnh dưới phát sinh ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phần nhiều phát sinh ở thời kỳ công năng của Xung Nhâm đang thịnh vượng, lứa tuổi 30 – 40 thường hay bị.
Chứng này để kéo dài sẽ làm cho nghẽn tắc Bào mạch có thể dẫn đến không thụ thai. Nếu ảnh hưởng trong thời kỳ Xung Nhâm không điều hoà, có thể phát sinh hành kinh quá nhiều, hoặc chu kỳ không qui tắc. Nếu cả hai bên đều óc khối sưng, có thể gây nên Bể kinh.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Xung Nhâm ứ nghẽn với chứng Xung Nham ứ thấp ngưng kết: Cả hai đều có thể phát sinh khối sưng, nhưng bộ vi của khối sưng khác nhau. Loại trên, vị trí khối sưng là ở trong Bào, ấn thấy rắn, hình giáng không qui tắc, hơi nhỏ, sinh trưởng hơi chậm, kinh nguyệt phần nhiều không qui tắc. Loại sau bộ vị ở hai bên Bào cung (bên cạnh) hơi mềm, hình dáng tròn hoặc bầu dục, lớn nhỏ bất nhất, sinh trưởng khá nhanh, kinh nguyệt đa số bình thường.
IV. Tư liệu tham khảo
- Huyết hải quá nhiều thì huyết băng. Hàn và thấp xung đột nhau ở Xung Nhâm thì thống kinh (Phó Thanh chủ nữ khoa).
- Xung Nhâm không lưu thông, huyết khí uất tích, nóng lạnh xung đột cho nên thành Đái hạ (Thánh Tế tổng lục).
- Đái mạch bị bệnh bụng đầy, lưng cảm giác lạnh như ngồi trong nước (Nạn kinh).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Hứa Nhuận Tam
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y