Chứng Phế Khí Suy Tuyệt – Y Gia Quán

I. Khái niệm:

Chứng Phế khí suy tuyệt là gọi tóm tắt cho công năng của tạng Phế biểu hiện suy kiệt, không làm chủ khí mà xuất hiện tình trạng tông khí suy bại, mất chức năng hô hấp, thậm chí không thực hiện được nhiệm vụ thăng giáng vào ra của khí mà gây bệnh; Chứng này nguyên nhân phần nhiều do ốm lâu hao tổn, chính khí hư suy, hoặc chính khí với tà khí tranh giành nhau, tà thịnh chính suy, khiến cho khí cơ nghịch loạn, âm dương chia lìa…

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hô hấp nhỏ yếu, hơi thở không nối tiếp, mồ hôi ra như giọt châu, ớn lạnh sợ lạnh, sắc mặt nhợt hoặc tối xạm, lưỡi nhạt hoặc xanh tía, mạch Phù Tán vô luân hoặc Vi Nhược vô lực thậm chí ngừng thở.

Chứng Phế khí suy tuyệt là chứng bệnh thường gặp ở người bệnh trước lúc lâm chung, các chứng trạng bệnh nặng hiểm nghèo ở giai đoạn cuối thường xuất hiện chứng này. Bệnh đã đến Phế khí suy tuyệt thì tuỳ thời có thể dẫn đến ngừng thở mà kết thúc sinh mạng, cần phải tích cực cứu chữa.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Phế khí hư, chứng Phế khí âm đều hư và chứng Thận không nạp khí.

II. Phân tích:

Chứng Phế khí suy tuyệt thường gặp trong các bệnh thuộc Phế hệ như Khái thấu, Háo suyễn, Phế lao, Phế nuy, Phế ung, Khái huyết, và cũng thường gặp ở giai đoạn cuối các bệnh phát nhiệt, tự ra mồ hôi, cảm mạo, Thủy thũng và Long bế.

Chứng Phế khí suy tuyệt có khi do Hư gây nên, có khi do Phế khí hư yếu, ốm lâu hao tổn, dần dà dẫn đến Phế khí suy tuyệt; hoặc do Phế âm khuy tổn, bệnh Âm tổn hại liên lụy đến Dương, cuối cùng dẫn đến âm kiệt dương tuyệt, Phế khí suy tuyệt.

Chứng Phế khí suy tuyệt cũng có khi do Thực mà diễn biến thành, phần nhiều do Thực tà gây bệnh như đàm ẩm, thủy thấp, ứ huyết làm nghẽn trở khí cơ, hô hấp không lợi, Phế khí từ thực chuyển hư, chính khí không thắng nổi tà khí, cuối cùng dẫn đến chính suy khí tuyệt, hình thành chứng Phế khí suy tuyệt.

Phế khí suy tuyệt thì khí mất vai trò làm chủ, tông khí suy vi, cho nên hô hấp nhỏ yếu, suyễn gấp không ngừng, hơi trên không tiếp hơi dưới, thậm chí lúc thở lúc ngừng gián đoạn, dần dần đến ngừng thở.

Vị khí khai phát từ Thượng tiêu, dựa vào tác dụng tuyên phát của Phế khí mà phân bố ra toàn thân. Phế khí suy tuyệt thì Vị khí không bền, tân dịch tiết ra ngoài, dương khí theo đó cũng thoát, cho nên thân thể lạnh sợ lạnh, ra mồ hôi như giọt châu. Phế khí suy tuyệt, khí không tươi nhuận lên trên, cho nên sắc mặt trắng nhợt và lưỡi nhợt. Tông khí suy bại, khí tán loạn nên sức cổ động yếu, cho nên mạch Phù Tán vô luận hoặc Vi Nhược mà vô lực. Khí là soái của huyết, khí lưu thông huyết cũng lưu thông, khí suy thì huyết trệ rít không thông, cho nên sắc mặt có lúc tía xạm, chất lưỡi có khí tím tái.

Phàm Phế khí hư yếu mà hao mòn dần thì thấy Phế khí suy tuyệt, suyễn gấp ra mồ hôi mà thở không tiếp nối hoặc lúc thở lúc ngừng, thân thể ớn lạnh sợ lạnh, phải cấp cứu ích khí cố thoát, cho uống Độc sâm thang (Thập dược thần thư), Sâm phụ thang (Phụ nhân lương phương).

Nếu Phế âm hư tổn, Âm hư tổn liên lụy đến dương, âm kiệt khí thoát mà thấy các chứng miệng khô mặt đỏ, phiền táo không yên, mạch Tế Nhược vô lực, phải ích khí dưỡng âm cố thoát ngay, có thể dùng Sinh mạch tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận) liều cao, sắc bao nhiêu uống bấy nhiêu.

Chứng Phế khí suy tuyệt nguy cấp trong khoảnh khắc, cần tích cực cứu chữa. Trong quá trình diễn biến các tật bệnh nội khoa, Phế khí suy vi, đều xuất hiện Phế khí suy tuyệt như suyễn gấp thở khó, khí không tiếp nối, thậm chí ngừng thở từng lúc, chính như sách Trực chỉ phương nói: “Cái loại bệnh nguy kịch, khi chính khí muốn thoát, tà khí thịnh hành, đều úng nghịch mà suyễn”. Nếu có kiêm chứng đờm sùng sục thở thô, đờm dính lượng nhiều, trong họng có tiếng đờm khò khè, nên kịp thời hút đờm để duy trì đường hô hấp lưu thông cũng có thể thêm các phép hoá đàm. Nếu có kiêm ứ huyết không lưu thông, mặt mỗi tím tái, cũng có thể thêm cả thuốc hóa đàm. Nhưng phải lấy ích khí cố thoát cứu Phế khí làm nhiệm vụ cấp thiết, như Ngô Cúc Thông từng nói: “Thái âm Thử ôn… ra mồ hôi nhiều, mạch Tán Đại, suyễn nấc muốn thoát, bài Sinh mạch tán chủ chữa bệnh ấy”.

Ngoài ra, chứng Phế khí suy tuyệt còn gặp trong các trường hợp vấp ngã ngoại thương, tổn hại do phát hãn nhầm, và người sau khi đẻ bị mất nhiều huyết. Khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, huyết để chở khí. Nếu mất huyết, mất tân dịch, khí sẽ theo huyết và tân dịch mà thoát, thì có các chứng trạng suyễn gấp đoản hơi, hô hấp nhỏ yếu, mồ hôi ra như giọt châu thậm chí hơi thở gián đoạn hoặc ngừng thở.

Chứng Phế khí suy tuyệt trong quá trình diễn biến bệnh tình thường liên lụy tới Thận là do tinh khí suy bại, Phế không làm chủ khí, Thận không nạp khí, sắc mặt tía tối, ra mồ hôi không dứt, hơi thở sâu dài, hơi không tiếp nối, nhị tiện không tự chủ, thậm chí hơi thở đứt nối không đều, cuối cùng ngừng thổ mà tử vong.

Cũng có khi liên lụy tới Tâm, Tâm khí suy kiệt mà xuất hiện hồi hộp suyễn gấp, mỗi lưỡi tím tái, mạch Vi Tế muốn tuyệt hoặc Kết Đại không đều, cuối cùng Tim ngừng đập dẫn đến tử vong.

III. Chẩn đoán phân biệt:

  • Chứng Phế khí hư, chứng Phế khí âm đều hư với chứng Phế khí suy tuyệt, ba loại chứng bệnh tạng Phế hư tổn, nhưng nguyên nhân, cơ chế bệnh và mức độ bệnh biến không giống nhau.

Chứng Phế khí suy tuyệt thường có thể do chứng Phế khí hư và chứng Phế khí âm đều hư biểu hiện vào giai đoạn diễn biến suy tuyệt, ba loại này lâm sàng đều biểu hiện suyễn gấp đoản hơi, ra mồ hôi, mạch Hư Nhược, nhưng có mức độ khác nhau. Phế khí hư và chứng Phế khí âm đều hư chưa đến mức độ hô hấp lúc thở lúc ngừng, mồ hôi ra như giọt châu, mạch Phù Tán vô căn, chỉ là công năng của Phế khí suy giảm nói chung, chưa đến nỗi suy tuyệt. Còn chứng Phế khí suy tuyệt thì là công năng tạng Phế suy sụp tột cùng, sắp đến chỗ cạn kiệt, cho nên hô hấp lúc thở lúc ngừng, mồ hôi ra như giọt châu, mạch Tán Đại vô luân thậm chí ngừng thở.

  • Chứng Phế Thận khí hư (chứng Thận không nạp khí) với chứng Phế khí suy tuyệt: Chứng Phế Thận khí hư nguyên nhân phần nhiều do ốm lâu suyễn khái, lao thương Thận khí, tổn hại đến Phế Thận mà thành bệnh, Thận mất sự thu nhận cho nên thở ra thì nhiều, hít vào ít, động làm bệnh tăng; Thận chủ về đại, tiểu tiện, cho nên đại, tiểu tiện không tự chủ hoặc họ vãi đái; Khí hư thiếu sự ấm áp cho nên chân tay lạnh, mặt xanh, tự ra mồ hôi; Còn chứng Phế khí suy tuyệt là thuộc Phế khí kiệt tuyệt, mất vai trò chủ yếu là hô hấp, cho nên lúc thở lúc ngừng, mồ hôi ra như giọt châu, thậm chí ngừng thở, mạch Phù Tán mà vô luân, phần nhiều do tạng Phế suy kiệt, tông khí suy bại gây nên. Hai chứng này có thể phân biệt trong lâm sàng.

IV. Y văn trích dẫn:

  • Thủ Thái âm khí tuyệt thì lông tóc khô cháy; là vì Thái âm hành khí ra bì mao. Cho nên khí không tươi tốt thì lông tóc khô cháy; lông tóc khô cháy thì tân dịch mất đi sự mềm mại ở ngoài da, cũng vì thế mà móng tay chân khô ròn; móng tay chân và lông tóc khô ròn đó là lông tóc chết từ trước, Bính hung hãn thì Đinh chết, đó là Hoả thắng Kim (Kinh mạch thiên – Linh Khu).

  • Người bệnh Phế tuyệt thì 3 ngày chết. Tại sao biết như thế? Là vì chỉ há miệng thở ra chứ không hít vào (Bình mạch – Bị cấp thiên kim yếu phương).

  • Mạch Phù mà Hồng, mình ra mồ hôi như dầu, suyễn không ngớt, đó là Phế tuyệt (Ngũ tạng tuyệt chứng – Tứ chẩn quyết vi).

  • Tiếng như ngáy ngủ là Phế tuyệt. Suyễn mà ra mồ hôi ướt đầm tóc cũng là Phế tuyệt. Mạch Sắc chân tay lạnh là mạng không thọ. Suyễn khái thổ huyết không nằm được, thể trạng suy, mạch Đại thở nhiều thì chết (Tạp bệnh tâm pháp yếu quyết – Y tông kim giám).

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Cao Vinh Lâm

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo