I. Khái niệm:
- Chứng đàm thấp nghẽn trở Bào cung là nói đến cơ thể vốn dương hư, Tỳ không vận chuyển mạnh, thấp tụ lại thành Đàm dồn xuống hai mạch Xung Nhâm làm ngăn trở Bào cung Bào mạch gây nên một loạt chứng trạng. Chứng này gặp nhiều ở người béo mập.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là kinh nguyệt ra muộn hoặc bế vít không thông, lượng kinh hoặc nhiều hoặc ít, chất dính sắc nhợt, lượng đái hạ nhiều sắc trắng dính có mùi tanh hôi, thể trạng béo mập, ngực khó chịu, buồn nôn, miệng nhạt ngán ăn, thân thể nặng nề, mệt mỏi hay nằm, đại tiện lỏng, nước tiểu đục, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Hoạt hoặc Nhu Tế hoặc Huyền Hoạt.
Chứng đàm thấp ngăn trở Bào cung thường gặp trong các bệnh “Kinh nguyệt ra muộn”, “Kinh nguyệt quá ít”, “Bế kinh”, “Kinh nguyệt quá nhiều”, “Đái hạ”, “Bất dựng”, “Ngụy thai” và “Trưng Hà”.
Cần chẩn đoán phân biệt với chứng “Bào cung hư hàn”
II. Phân tích:
Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung gặp nhiều trong các bệnh thuộc Phụ khoa. Nhưng trong các tật bệnh khác nhau, biểu hiện lâm sàng cũng có đặc điểm riêng, cho nên phép chữa cũng không nhất trí hoàn toàn.
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung xuất hiện ở bệnh kinh nguyệt ra muộn biểu hiện lâm sàng đa số thấy rối loạn sau khi hành kinh, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt, chất dính, lượng đái hạ nhiều sắc trắng dính, mùi tanh hôi, ngực bụng trướng đầy, kém ăn nhiều đờm, đại tiện không thành khuôn, chất lưỡi nhạt rêu lưỡi nhớt, mạch Hoạt vô lực… Chương Điều kinh sách Vạn thị nữ khoa nói: “Đờm dãi úng trệ, dòng huyết hải không lưu thông cho nên quá kỳ mới ra kinh…”. Đó là lý do cơ thể vốn béo mập, đờm thấp úng thịnh, hoặc ăn bừa các thức béo ngọt hun nướng và uống rượu làm cho Tỳ mất sự kiện vận, thấp tụ sinh đờm, đờm và thấp rót xuống Xung Nhâm, úng trệ bào cung và bào mạch gây nên bệnh; điều trị nên kiện Tỳ táo thấp hoá đàm điều kinh, cho uống bài “Xương truật đạo đàm hoàn” (Vạn thị nữ khoa).
- Chứng này xuất hiện trong bệnh kinh nguyệt ra quá ít, biểu hiện lâm sàng thấy lượng kinh nguyệt ra giảm ít rõ rệt, có khi chỉ một, hai ngày đã sạch, sắc huyết ra nhạt và chất dính, thể trạng béo mập, vùng ngực khó chịu, buồn nôn, nhạt miệng vô vị, đái hạ tăng nhiều, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Tế v.v… Đây là do đàm thấp thịnh ở trong, âm tinh không hoá ra huyết gây nên. Điều kinh môn trong sách Nữ khoa bổ giải của Trần Tố Yêm có viết: “Tỳ khí hư quá lớn, Thổ không chế Thuỷ, Thuỷ cốc không hoá ra chất tinh vi, chỉ sinh đàm mà không sinh huyết”. Mục Điều kinh trong sách Diệp thị Nữ khoa chứng trị cũng viết: “Người béo mập và hành kinh lượng ít, là do đàm ngưng động ở Kinh toại”. Điều trị nên kiện Tỳ hoá thấp hoá đàm, dùng Nhị thần thang (Hoà tễ cục phương) hợp với Khung Quy thang (Diệp thị Nữ khoa chứng trị).
- Trong bệnh Bế kinh xuất hiện chứng Đàm thấp ngăn trở ở Bào cung có đặc trưng là ở thể trạng béo mập đồng thời có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là kinh nguyệt bế tắc vài tháng không thấy, nhiều khí hư sắc trắng dính, vùng ngực khó chịu, buồn nôn, đại tiện không thành khuôn v.v… Chứng này dẫn đến Bế kinh thường do hai tình huống hành kinh xụt hoặc lượng kinh quá ít, dần dần phát triển thành bệnh cho nên phép chữa cũng như hai loại trên nhưng nên kèm theo thuốc hoạt huyết điều kinh.
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung xuất hiện trong bệnh hành kinh ra lượng quá nhiều, biểu hiện lâm sàng thấy lượng kinh tăng nhiều, sắc nhạt dính, thời gian ra kinh kéo dài, chóng mặt hoa mắt, ngực bụng đầy tức, kém ăn nhiều đàm, lượng đái hạ ra nhiều, sắc trắng dính, thể trạng béo mập, lưỡi nhạt rêu nhớt, mạch Huyền Hoạt v.v… lý do Tỳ hư không kiện vận, thủy thấp không hoá được, đàm thấp tụ ở trong úng trệ ở Bào cung Bào mạch, huyết không đi theo Kinh gây nên bệnh, điều trị theo phép kiện Tỳ táo thấp, hoá đàm điều kinh, uống bài Hương Sa lục quân tử thang (Trương thị y thông) Gia Kinh giới sao, Ngải diệp.
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung xuất hiện trong bệnh Đái hạ thường có biểu hiện chủ yếu là lượng đái hạ ra quá nhiều liên miền không dứt, sắc trắng chất dính như đàm, mùi tanh hội, lại thêm thân thể nặng nề, ngực đầy buồn nôn, kém ăn, mệt mỏi hay nằm, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng nhớt v.v… đây là do Tỳ dương không mạnh mất chức năng vận hoá, Đái mạch không chế ước, đàm trọc giót xuống Xung Nhâm gây nên bệnh; điều trị nên kiện Tỳ thăng dương hoá đàm trừ Đái, cho uống Vị linh thang (Đan Khê tâm pháp) Hoàn đái thang (Phó thanh chủ nữ khoa).
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung xuất hiện trong bệnh Bất dựng phần nhiều có ở thể trạng vốn béo mập, ngực khó chịu, kém ăn, hành kinh ra quá xụt hoặc lượng kinh huyết quá ít, nhiều khí hư chất dính, cơ thể mỏi mệt, đó là những chứng hậu do đàm thấp ngăn trở ở trong, Tỳ mất chức năng kiện vận, chất tinh vi của thuỷ cốc không hoá sinh tinh huyết, tụ lại thành đàm thành thấp làm ngăn trở Bào cung Bào mạch bên dưới ảnh hưởng sự lưu thông của khí cơ làm khó khăn việc thụ thai. Phụ khoa tâm pháp yếu quyết sách Y tông Kim giám viết: “Thể trạng mập nhiều đàm, chất mỡ úng tắc ở trong Bào cung làm cho không thụ thai”. Điều trị nên theo phép táo thấp hoá đàm, cho uống bài Khải cung hoàn (Trung y Phụ khoa học).
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung nếu xuất hiện trong bệnh Ngụy thai, biểu hiện lâm sàng thấy kinh nguyệt bế tắc vài tháng, bụng dưới trướng to giống như có thai mà không phải là thai, nặng đầu choáng váng, ngực khó chịu, buồn nôn, nhổ ra nhiều đờm rãi, nhạt miệng kém ăn, đại tiện nhão, tiểu tiện đục v.v… đây là đàm ngăn trở Bào cung, đàm với huyết câu kết. Sách Nữ khoa tinh hoa viết: “Phụ nữ nhiều đàm, nhân lúc kinh ra, Bào cung sạch, đàm nhân chỗ hư yếu lọt vào, huyết với đàm câu kết khiến cho người ta bế kinh to bụng, các sách thuốc gọi đó là Đàm thai”. Điều trị nên kiện Tỳ hoá đàm, lý khí hạ thai, cho uống bài Điều chính tán (Phó thanh chủ nữ khoa) gia những loại thuốc hành huyết như Sinh Sơn tra, Đương qui vĩ, Lưu ký nô.
- Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung có thể xuất hiện trong bệnh Trưng Hà, biểu hiện lâm sàng phần nhiều thấy bụng dưới trướng xệ, bụng to như bát úp, ấn vào thấy hòn cục, ngực bụng đầy tức, buồn nôn kém ăn, kinh nguyệt không đều, mạch Huyền Hoạt là những đặc điểm do đàm ngưng khí kết, đều là do Tỳ hư mất sự kiện vận, thấp tụ thành đàm ngăn trở Bào lạc, tích lại mà thành Trưng Hà, điều trị nên táo thấp hoá đàm, tiêu Trưng tán kết dùng bài Địch đảm hoàn (Diệp thị nữ khoa chứng trị) gia những vị thuốc hành huyết.
Thấp đàm ứ đọng ở trong thường tuỳ theo thể trạng người mà khác nhau, hoặc là theo nhiệt hoá, hoặc là theo hàn hoá. Nếu theo nhiệt hoá, thường dẫn đến lượng kinh ra quá nhiều và các chứng xích đái, xích bạch đái hạ, kinh bế v.v… Như mục Điều. kinh sách Diệp thị nữ khoa chứng trị có nói: “Thể trạng béo làm cho đàm nhiệt, kinh bế; Béo mập đàm ngưng úng trệ ở Kinh lạc, khí hư huyết táo đến nỗi không hành kinh hoặc bài tiết Xích Đái hạ”. Nếu theo hàn hoá, vì hàn thấp và đàm ngưng, ngăn trở Bào cung, huyết bị hàn ngưng, vận hành không lưu thông, có thể gây nên các chứng bụng dưới lạnh đau, kinh bế, ngực khó chịu, buồn nôn, chân tay không ấm, đại tiện không thành khuôn, đái hạ lượng nhiều v.v… Đàm gây nên bệnh khá phức tạp mà còn biến hoá nhiều. Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung có thể theo hàn hoá, có thể theo nhiệt hoá, hoặc câu kết với huyết, hoặc câu kết với khí, hoặc nghẽn tắc khí cơ, hoặc ảnh hưởng đến sự sinh hoá của huyết… Cho nên điều trị chứng này, nên nghiên cứu nguyên nhân bệnh, xem xét bệnh cơ, qua con người bệnh mà cân nhắc, phân tích chỗ biến hoá khác thường chứ không thể cứ thấy có đờm là chữa đàm một cách đơn thuần.
Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung đa số gặp ở phụ nữ béo mập, nên có thể coi thể trạng béo mập là đặc điểm của chứng bệnh này; nhưng cũng có thể thấy ở người bẩm thụ quá đầy đủ, hoặc là dùng nhiều đồ béo ngọt rượu chè; cho nên không quá cầu nệ vào cái thuyết chỉ có người béo mập mới mắc chứng này.
III. Chẩn đoán phân biệt:
Chứng Bào cung hư hàn với chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung, gốc bệnh cả hai đều là Dương hư mà lấy hàn hoặc đàm là ngọn của bệnh. Nhưng loại trên lấy Thận dương hư làm chính; hai loại sau lấy Tỳ dương không mạnh làm chính; cũng có trường hợp phần Dương của Tỳ Thận đều hư, lâm sàng cần lưu tâm phân biệt.
Chứng Bào cung hư hàn là do hạ nguyên bất túc, sự hoá sinh của khí huyết bất cập hai mạch Xung Nhâm không dồi dào đúng lúc; lại vì dương hư thì sinh nội hàn, hàn thì huyết ngưng đọng mà tuần hành không lưu thông gây nên bệnh, đặc điểm biểu hiện lâm sàng là bụng dưới không ấm, đau liên miên, ưa ấm thích xoa bóp v.v…
Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung là do trung dương không mạnh, Tỳ mất sự kiện vận, thấp trọc ứ đọng ở trong tụ lại thành đàm, đàm thấp úng trệ ở Bào cung, Bào mạch, ảnh hưởng đến công năng của Xung Nhâm gây nên bệnh, đặc điểm lâm sàng là thể trạng béo mập, ngực đầy buồn nôn, miệng nhạt kém ăn, đái hạ nhiều mà dính. Lại cần phối hợp với chẩn đoán về sắc mặt, rêu lưỡi và mạch tượng để phân biệt. Chứng Bào cung hư hàn sắc mặt thường vàng nhạt, môi lưỡi tối nhạt, rêu lưỡi mỏng nhuận, mạch Trầm Trì hoặc Trầm Tế. Chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung sắc mặt thường trắng bệch, lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi nhớt, mạch phần nhiều Hoạt hoặc Nhu Họat hoặc Huyền Hoạt.
Chỉ có chứng Bào cung hư hàn kiêm cả thấp với chứng Đàm thấp ngăn trở Bào cung đàm theo hàn hoá là rất dễ lẫn lộn. Bởi vì hai chứng này vừa thấy hiện tượng hàn, lại cũng có thể thấy cả hiện tượng thấp, chứng trạng mười phần giống nhau. Lúc này nên xem xét tới Tạng Khí hư hay thực hàng ngày, thể trạng có béo mập hay không để mà phân biệt cho tỉ mỉ.
IV. Trích dẫn y văn:
Người có thai chăm sóc quá đáng, nằm nhiều ngủ nhiều thì khí không vận động, ăn nhiều thức béo ngọt thì sinh đàm úng trệ khí, khí trệ đàm thịnh thì thai khí không thuận đến nỗi béo mập quá mức, trăm loại bệnh sau khi đẻ phát sinh là ở chỗ đó chứ còn nói gì đến việc sinh đẻ khó khăn (Thai tiền tạp chứng môn – Trần Tổ Yêm phụ khoa bổ giải).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Quách Trí Cường
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y