I. Khái niệm:
Chứng Xung Nham ứ trở là chỉ ứ huyết ngưng kết ở Xung Nhâm, làm cho kinh khí bị nghẽn trệ gây nên một loạt các chứng trạng.
Các loại ngoại cảm phong hàn, nội thương sống lạnh, thất tình uất kết đều là những nhân tố sinh ra ứ kết; sau khi đẻ ác lộ không sạch cũng có thể dẫn đến ứ huyết ngưng kết.
Chứng trạng chủ yếu của chứng này trên lâm sàng hoặc là kinh nguyệt quá sớm, hoặc là kinh nguyệt quá muộn, hoặc hành kinh đau bụng, hoặc lậu hạ không dứt, hoặc bế kinh không thông, hoặc ác lộ quá kỳ không sạch, hoặc Bụng dưới có Trưng Hà.
Chứng này thường gặp trong các bệnh Nguyệt kinh trước kỳ, Nguyệt kinh sau kỳ, Thống kinh, Băng lậu, Bế kinh, Trưng Hà, Ác lộ bất tuyệt..
Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Xung Nhâm ứ thấp ngưng kết.
II. Phân tích:
- Kinh nguyệt thất thường là đặc trưng chủ yếu của chứng này. Vì mức độ ứ huyết có nặng nhẹ khác nhau nên triệu chứng cũng khác nhau. Như chứng này gặp trong loại Kinh nguyệt thấy sớm thì hàng kinh lượng ít, không thư sướng, sắc huyết tía đen có hòn cục, kèm theo chứng đau bụng nhẹ. Nếu gặp trong loại Kinh nguyệt thấy muộn thì hành kinh lượng hơi ít, sắc tối có cục, đau bụng dưới; Gặp trong loại Thống kinh thì hành kinh ra sớm hay muộn đau bụng dưới kịch liệt, kinh huyết ra lượng ít không thư sướng, ra cục huyết hoặc có những mảnh như thịt vụn nát, cục ra được thì đau bụng giảm nhẹ. Gặp trong hai loại Băng lậu thì huyết ra lượng nhiều có kèm cục huyết lớn, cục huyết ra được thì đau bụng hết ngay hoặc xuất huyết lượng ít không dứt. Gặp trong bệnh Bế kinh thì dụng dưới trệ và đau, cự án, bạch đái khá nhiều. Gặp trong bệnh Trưng Hà thì xuất hiện chứng trạng bất nhất; Hoặc là nguyệt kinh lượng nhiều, hoặc là thời gian hành kinh kéo dài, hoặc là khi hành kinh đau bụng không chịu nổi, hoặc là hành kinh không có biến hoá. Gặp trong bệnh Ác lộ ra không dứt thì lượng hành kinh ra rất ít nhưng kéo dài có khi bài tiết ra thứ như thịt vụn.
Vì ứ huyết nghẽn trệ, khí huyết do hậu thiên sinh hoá không khả năng đi xuống, tinh khí của tiên thiên bị ngăn trở không thông, vì thế mà Xung Nhâm ứ trở, bộc lộ hiện tượng Bản Hư Tiêu Thực.
Về điều trị, nên phân biệt căn cứ vào ứ huyết và mức độ chính khí hư kém khác nhau để mà chọn phương, điều khiển vị thuốc. Lâm sàng nói chung cho là nguyệt kinh sớm, kinh nguyệt muộn và bế kinh phần nhiều thuộc loại ứ kết nhẹ, cho uống bài Quế chi giá trùng thang (Trung y chứng trạng giám biệt chẩn đoán học) là có thể tiêu tan nhanh. Còn Băng lậu thì thuộc loại hư thực cùng xuất hiện, chỉ nên tiêu bổ cùng dùng, có thể uống bài Hoá ứ chỉ huyết phương (Trung y chứng trạng giám biệt chẩn đoán học) để làm chậm dịu cái ứ. Các chứng Thông kinh, Ác lộ không dứt thuộc loại ứ trệ không thông, có thể dùng Xúc cung trục ứ thang (Trung y chứng trạng giám biệt chẩn đoán học) để phù chính khư ứ. Chứng Trưng Hà thuộc loại túc ứ cố kết khó tiêu tán nhanh, nên dùng Quế chi phục linh hoàn (Kim Quỹ yếu lược) gia vị để tiêu tan từ từ. Tóm lại, điều trị lâm sàng cần thiết phải phân biệt tiêu bản hư thực rõ ràng, để mắt tới âm dương khí huyết, hoặc tiêu, hoặc bổ, hoặc tiêu bổ cùng dùng, cốt yếu là công không làm hại chính, bổ mà không lưu trệ.
Ba loại hành kinh sớm, hành kinh muộn và thống kinh phần nhiều phát sinh ở phụ nữ trẻ tuổi, ở đây có liên quan tới sự chú ý nhiếp sinh khi đang hành kinh hoặc khi đang hành kinh lại vận động kịch liệt dễ biến thành huyết ứ. Băng lậu và Bế kinh thường phát sinh ở người Thận hư, cho nên triệu chứng tuy có hiện tượng ứ cũng là bản Hư mà tiêu Thực. Loại ứ trở Xung Nhâm này là thuộc tiêu bệnh của Xung Nhâm. Ngoài ra, nội thương thất tình, thay đổi hoàn cảnh cũng có thể là dụ nhân của Thống kinh, Bế kinh và Hành kinh muộn. Trưng Hà thường phát sinh ở phụ nữ tuổi 30 – 50; trước 20 tuổi hoặc sau 50 tuổi rất ít gặp, bệnh này có liên quan chặt chẽ tới nhân tố tình chí và Xung Nhâm mất điều hoà.
Chứng Xung Nhâm ứ trở nếu ứ kết kéo dài ngày, có thể trở thành Trưng Hà. Nếu bệnh trình quá dài có khi xuất hiện cả các chứng trạng khí huyết hư suy hoặc Tỳ hư không vận hoá, huyết không nuôi dưỡng Tâm.
III. Chẩn đoán phân biệt:
Chứng Xung Nhâm ứ thấp ngưng kết với chứng Xung Nhâm ứ trở: Loại trên phần nhiều do khi hành kinh hoặc sau khi đẻ, nhiếp sinh không cẩn thận, bệnh tà nhân chỗ hư lọt vào Xung Nhâm, đến nỗi khí huyết vận hành không thư sướng tạo thành ứ thấp lưu đọng; Hoặc do công năng tạng phủ không bình thường, Xung Nhâm mất điều hoà gây nên. Còn phát sinh loại sau phần nhiều do thất tình nội thương, Can khí uất kết, khí huyết vận hành không thư sướng; Hoặc là sau khi đẻ bào mạch rỗng không, hoặc đang lúc hành kinh huyết thất mở rộng, phong hàn nhân chỗ hư lọt vào, làm ngưng trệ khí huyết. Hoặc là cáu giận hại Can, ưu từ thương Tỳ, Tạng Phủ mất điều hoà; Hoặc là khi hành kinh, mới sinh đẻ lại bị tổn thương vì phòng thất, ứ huyết ngưng tụ ở Xung Nhâm gây nên bệnh. Nhưng ứ huyết kết ở trong làm trở ngại khí lưu thông, cũng có thể hình thành thuỷ thấp, vì vậy chứng ứ huyết phần nhiều có kiêm thuỷ thấp. Cho nên hai chứng này về phương diện nguyên nhân và cơ chế bệnh, so sánh phân biệt rất khó khăn. Khi lâm sàng, nên kết hợp kiểm tra tỉ mỉ giữa chứng trạng và đặc trưng toàn thể, yếu điểm phân biệt chứng hậu là: Ứ thấp ngưng kết thường lấy “đái hạ” làm chính, còn ứ trở thường lấy “phúc thống” làm chính. Nếu đã thành Trưng Hà thì loại trên lấy bộ vị bụng dưới (tức phần phụ) chất mềm mại, qui tắc hình dáng, lớn nhỏ bất nhất, sinh trưởng khá nhanh hoặc to thêm không rõ ràng, kinh nguyệt nói chung bình thường; Còn loại dưới thì vị trí ở giữa bụng dưới (tức dạ con) chất hơi cứng, hình trạng không quy tắc nói chung nhỏ hơn, sinh trưởng từ từ, kinh nguyệt qui tắc hoặc không qui tắc thì xuất huyết âm đạo, hoặc kinh nguyệt quá nhiều, hoặc thống kinh nghiêm trọng.
IV. Trích dẫn y văn:
- Nhâm mạch gây bệnh, nam giới thì thất sán kết ở trong, nữ giới thì đái hạ hà tụ (Cốt không luận – Tổ Vấn).
- Xung mạch gây bệnh, nghịch khí lý cấp (Cốt không luận – Tố Vấn).
- Huyết ứ Xung Nhâm có thể gây Bế kinh (Y học trung trung tham tây lục).
- Xung mạch gây bệnh, dùng Tử thạch anh để trấn nghịch. Nhâm mạch gây bệnh, dùng Quy bản để trấn nhiếp (Lâm chứng chỉ nam y án).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Hứa Nhuận Tam
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y