So Sánh Ma Hoàng Với Quế Chi – Y Gia Quán

Học đông dược nhắc đến nhóm thuốc giải biểu thì 2 vị thuốc Ma hoàng – Quế chi không thể không nhắc đến. Hai vị này đều là thuốc tân ôn giải biểu, có tác dụng phát hãn, trị phong hàn biểu chứng, có thể dùng riêng lẻ hoặc hết hợp cả 2 để cùng sử dụng giúp nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài ra hai vị này còn có nhiều tác dụng khác ứng dụng trên lâm sàng đạt được kết quả cao.

– Ma hoàng vị cay, hơi đắng, tính cấm, quy kinh Phế, Bàng Quang và có 4 công dụng chủ yếu:
+ 1: Phát hãn tán hàn
+ 2: Tuyên phế bình suyễn
+ 3: Hành thủy tiêu thũng
+ 4: Tan âm thư, tiêu chưng kết

Trong 4 công dụng trên thì tác dụng phát hãn tán hàn, tuyên phế bình suyễn của Ma hoàng có hiệu quả rất rõ rệt nhất. Khi phong hàn xâm phạm vào cơ thể làm cho tấu lý bị bó lại, phế khí không được tuyên thông mà gây ra các chứng như không ra mồ hôi, sợ lạnh, khái suyễn, những chứng này có thể dùng Sinh Ma hoàng hoặc Chích Ma hoàng đều có tác dụng phát hãn giải biểu, bình suyễn chỉ khái tuy nhiên đối với Sinh Ma hoàng tác dụng phát hãn giải biểu rất lớn phù hợp với những trường hợp vừa cảm nhiễm phong hàn, còn đối với Chích Ma hoàng lực phát hãn yếu hơn nhưng hiệu quả về bình suyễn chỉ khái lại rất tốt, dùng được trong cả những trường hợp biểu tà đã giải, để gia tăng hiệu quả bình suyễn trên lâm sàng người ta thường kết hợp thêm Hạnh nhân. Ma Hoàng giúp tuyên thông phế khí còn Hạnh nhân lại giúp giáng khí hóa đàm nên có tác dụng bình suyễn chỉ khái mạnh mẽ.

Ngoài 2 tác dụng chính trên Ma hoàng còn giúp hành thủy tiêu thũng chủ yếu là thủy thũng ở nửa phần trên của cơ thể, bởi lẽ phế chủ thông điều thủy đạo, Ma hoàng có thể ôn tuyên phế khí, khai phát tấu lý, giúp cho tuyên hóa thủy khí ở thượng tiêu mà đạt được tác dụng hành thủy tiêu thũng, để có tác dụng hành thủy tiêu thũng tốt thì liều dùng Ma hoàng thường từ 10g trở lên.

Thời gian gần đây dựa vào tác dụng của Ma hoàng bên ngoài có thể tuyên thấu bì mau tấu lý, bên trong có thể phá tích đờm ngưng huyết nên thường được kết hợp với các vị thuốc như Thục địa, Bạch giới tử, Đương quy có thể làm tan âm thư, tiêu chưng kết.

Chú ý: Ma hoàng có tác dụng phát hãn tuyên phế lực rất mạnh, nên nếu biểu hư tự hãn, âm hư đạo hãn và phế thận hư suyễn cần thận trọng khi dùng.

– Quế chi vị cay, ngọt, ấm quy kinh Tâm, Phế, Bàng Quang có 5 công dụng chính
+ Sơ phong giải cơ
+ Ôn kinh chỉ thống
+ Khứ hàn thông tý
+ Trục ẩm trấn khái
+ Hóa khí thông niệu

Đối với các trường hợp phong hàn ta xâm phạm vào cơ biểu Quế chi thường kết hợp với Ma hoàng giúp ma hoàng phát hãn giải cơ để chữa chứng phong hàn cảm mạo không ra mồ hôi, đối với chứng phong hàn cảm mạo có mô hôi thì kết hợp với Bạch thược có tác dụng điều hòa doanh vệ, giải cơ cầm mồ hôi.

Quế chi dựa vào chức năng ôn kinh chỉ thống, khứ hàn thông tý, tuyên thông bế trở, đồng thời có thể chạy ngay ra cánh tay, nên có thể điều trị được các chứng như ngực hoành khó chịu, ngực phiền đầy mà đau, đau lan ra vai, tâm quý, khí đoản. Đối với các chứng phong hàn thấp xâm nhập vào kinh lạc dẫn đến các khớp đau nhức hoặc các chứng hàn nhập Bào cung gây ứ trệ ở phụ nữ dẫn đến các bệnh về kinh nguyên như kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh điều trị dùng Quế chi có công hiệu rất tốt.

Quế chi giúp cho Tâm dương ôn hóa thủy ẩm nên khi kết hợp với các vị thuốc như Phục linh, Trạch tả, Trư linh, Bạch truật, chích cam thảo có tác dụng điều trị chứng thủy thũng lăng tâm phát sinh hồi hộp, sợ sệt và phù thũng.

Chú ý: Quế chi là thuốc tân ôn trợ nhiệt, dễ làm thương âm động huyết, nếu ngoại cảm nhiệt bệnh, âm hư hỏa vượng, huyết nhiệt vong hành,… cấm dùng. Trường hợp phụ nữ mang thai hoặc kinh nguyệt quá nhiều khi dùng nên thận trong.

– So sánh những điểm khác nhau giữa Ma hoàng và Quế chi
+ Ma Hoàng và Quế chi đều là những vị thuốc có khả năng phát tán phong hàn. Nhưng Ma hoàng sở trường làm ra mồ hôi qua lỗ chân lông, giải biểu, lực rất mạnh điều trị biểu thực vô hãn, có khả năng vào phế, bình suyễn và lợi tiểu tiện.

Quế chi phát hãn lực hoàn hoãn, ngoại cảm phong hàn hữu hãn, vô hãn đều dùng được còn có ôn kinh thông dương, thường dùng trong hàn ngưng kinh mạch, phong hàn thấp tý, đàm ẩm súc thủy chứng, hung tý và tâm quý, mạch kết đợi.

+ Ma hoàng sở trường trị bệnh phế, khởi ho, bình suyễn. Quế chi sở trường ở tâm, chữa bệnh tâm quý, sợ hãi.

+ Ma hoàng mở lỗ chân lông, cho ra mồ hôi là thuốc của Phế, trị bệnh thủy thũng đưa lên. Quế chi có tính năng thấp dương, do đó cơ thể hạ thấp được thủy thũng.

+ Ma hoàng có công năng tan âm thư, tiêu chưng kết nên có thể kết hợp các vị thuốc khác điều trị các bệnh ung thư.

Quế chi ôn kinh tán hàn, thông huyết mạch nên dùng trong chữa các bệnh kinh nguyệt như chữa chứng hàn tà xâm phạm gây huyết bị ngưng tệ mà dẫn đến kinh nguyệt không đều.

+ Đối với đặc thù sử dụng Ma hoàng thường kết phối hợp với các vị thuốc đắng hàn để tán hỏa. Còn dùng Quế chi để hạ khí như bài “Quế chi sinh khương chi thực thang” trong Kim quỹ yếu lược để trị các chứng nghịch, tim đau, ngoài ra Quế chi còn bổ trung như bài “Tiểu kiến trung thang” chữa bệnh hư lao, tim đập nhanh, bụng đau, mộng tinh thất tinh, tứ chi đau mỏi, chân tay buồn bã miệng ráo,…

Người đăng: BS.Trần Văn Toàn

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo