I. Khái niệm:
Chứng Tỳ không thống huyết là chỉ Tỳ khí hư, Trung khí hạ hãm mà không nhiếp huyết, hoặc do Tỳ dương hư mà không nhiếp huyết, tạo nên một loại chứng hậu phức hợp có chứng trạng chủ yếu là xuất huyết. Nguyên nhân phần nhiều do nội thương mệt nhọc tổn hại tới Tỳ khí gây nên.
Biểu hiện lâm sàng của chứng Tỳ không thống huyết chia làm hai nhóm chứng trạng, nhóm thứ nhất là xuất huyết, hoặc tiện huyết, hoặc nục huyết, hoặc kinh nguyệt quá nhiều, băng lậu v.v… Nhóm thứ hai đồng thời kiêm chứng Tỳ khí hư, Tỳ dương hư, Trung khí hạ hãm. Nếu Tỳ khí hư thì có các chứng trạng kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão, mỏi mệt, đoản hơi, sắc mặt nhợt, gầy còm, mạch Nhược v.v… Nếu Tỳ dương hư, có các chứng trạng sợ lạnh, chân tay mát, đau bụng, ỉa lỏng, thân thể phù thũng, hoặc phụ nữ đái hạ ra trong loãng. Nếu Trung khí hạ hãm, có các chứng trạng vùng bụng nặng trệ, ỉa lỏng lâu ngày hoặc kiết lỵ lâu ngày, thoát giang hoặc sa tử cung, hoặc lâm sàng biểu hiện sa nội tạng.
Chứng Tỳ không thống huyết gặp trong các bệnh Tiện huyết, Lậu huyết và trong các bệnh xuất huyết khác.
Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Tỳ hư hạ hãm và chứng Tâm Tỳ đều hư.
II. Phân tích:
Chứng Tỳ không thống huyết có chứng trạng xuất huyết, nói chung đa số là các loại tiện huyết, băng lậu xuất huyết từ bộ phận dưới cho đến xuất huyết dưới da, chân răng xuất huyết v.v… Mục Tiện huyết sách Huyết chứng luận viết: “Chứng này với thổ huyết, nục huyết cũng là bệnh về Huyết, nhưng một loại là khí từ dưới ngược lên, một loại là khí đi xuống.
- Nếu Tiện huyết mà gặp chứng Tỳ không thống huyết, có hai nguyên nhân: một loại là do Tỳ khí bất túc, khí không nhiếp huyết gây nên. Một loại là do Tỳ dương bất túc, Tỳ không nhiếp huyết tạo thành.
Tỳ khí bất túc, đại tiện ra máu do Tỳ không nhiếp huyết, ngoại trừ chứng trạng hạ huyết lẫn lộn với đại tiện hoặc trước ra phân sau mới ra huyết, còn có các chứng trạng Tỳ khí bất túc toàn thân như kém ăn, trướng bụng, mỏi mệt, sắc mặt nhợt, đoản hơi, tự ra mồ hôi, môi lưỡi trắng nhợt, mạch Tế Nhược; điều trị nên bổ trung khí để nhiếp huyết; Nếu xuất huyết cấp mà lượng nhiều, cho uống bài Đương qui bổ huyết thang (Nội ngoại thương biện hoặc luận) để bổ khí sinh huyết. Xuất huyết lượng ít mà tình thế bệnh từ từ, có thể bổ cả khí lẫn huyết, dùng bài Bát trân thang (Chính thể loại yếu).
Trung tiêu hư hàn, Tỳ dương bất túc, Tỳ không nhiếp huyết, đại tiện ra huyết phân ra trước huyết thep sau, sắc huyết tía tối, hoặc đại tiện phân đen như sơn, đại tiện nhão, đau bụng, chân tay mát, sợ lạnh, mỏi mệt, sắc mặt không tươi, môi lưỡi trắng nhợt, mạch Hư Nhược, đó là các chứng trạng Tỳ dương bất túc. Mục Tiện huyết sách Huyết chứng luận viết: “Chứng này thuộc Trung cung thất thủ, huyết không giữ được mà đi xuống; Bài Hoàng thổ thang (Kim quĩ yếu lược) chủ chữa bệnh ấy”.
- Nếu Tỳ không thống huyết gặp trong bệnh Băng lậu, hoặc hành kinh ra lượng quá nhiều, đầm đìa không dứt, “tuy là huyết chứng mà thực ra là vì khí hư vậy”, “phép chữa chủ yếu là trị ở Tỳ, hoặc mệt nhọc thương Tỳ hoặc tư lự no đói thương Tỳ, Tỳ hư không nhiếp huyết, (Băng đái – thuyết chứng luận). Điều trị nên bổ khí để nhiếp huyết dùng các bài Quy Tỳ thang (Tế sinh phương) Bát trân thang (Chính thể loại yếu) Thập toàn đại bổ thang (Hòa tế cục phương) Toàn sinh hoạt huyết thang (Thẩm thị tôn sinh thư) đều có thể chọn dùng.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Tỳ hư hạ hãm với chứng Tỳ không thống huyết: Phạm vi chứng Tỳ hạ hãm bao gồm khá rộng, vì trung khí hạ hãm, thanh dương không nâng lên mà tạo nên các chứng bệnh xuất huyết như ỉa chảy kéo dài, kiết lỵ lâu ngày, sa nội tạng cho đến băng lậu, đại tiện ra huyết v.v… đều có thể nằm trong chứng Tỳ hư hạ hãm; Tỳ không thống huyết tạo nên đại tiện ra huyết và băng lậu, thực tế là một biểu hiện của Tỳ khí hạ hãm.
Tỳ không thống huyết sở dĩ tạo thành chứng xuất huyết, ngoài đại tiện ra huyết và băng lậu, còn bao quát cả các loại thâm huyết mạn tính như Khí không nhiếp huyết mà huyết tràn ra cơ thịt thành chứng Cơ nục, và xuất huyết ở mũi và chân răng v.v…
- Chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tỳ không thống huyết: Chứng Tâm Tỳ đều hư phần nhiều do tư lự quá độ, tâm huyết hao ngấm ngầm, hoặc tổn thương do mệt nhọc ăn uống, hoặc sau khi ốm chăm sóc không tốt… Những nguyên nhân đó làm hại Tỳ khiến cho sự hóa sinh khí huyết giảm sút. Tâm huyết bất túc tạo nên Tâm huyết hư với Tỳ khí hư hoặc một loại chứng hậu phức hợp cả Tỳ dương cũng hư; Ngoài những chứng trạng xuất hiện như hồi hộp, chóng quên, mất ngủ, kém ăn, mỏi mệt, sắc mặt úa vàng, lưỡi nhợt, mạch Nhược, còn có thể xuất hiện các bệnh chứng Tỳ hư mà huyết không thống nhiếp được dẫn đến kinh nguyệt không đều, băng lậu, xuất huyết dưới da v.v.. Đơn thuần chứng Tỳ không thống huyết, ngoài những chứng trạng xuất huyết và Tỳ hư ra, chứng trạng của Tâm huyết bất túc không rõ ràng lắm nhưng vì xuất huyết lâu ngày không dứt đến nỗi cả khí và huyết đều suy, thì cũng có thể gặp chứng trạng Tâm Tỳ đều hư.
IV. Trích dẫn y văn:
- Phép chữa bệnh, vượt cao thì khống chế, quá thấp thì nâng lên, các loại thổ huyết, nục huyết thì phải giáng khí; Các loại hạ huyết thì phải thăng cử. Thăng cử, không phải duy nhất có bổ trung ích khí, các phép thăng đề hay sơ phát, đều là phép thăng cử (Tiện huyết – Huyết chứng luận).
- Phàm trung thổ không nhiếp được huyết… Trọng Cảnh dùng thuốc ôn phối hợp với thuốc thanh, biết là huyết sở dĩ không được yên, phần nhiều là có hỏa quấy rối. Phàm là Khí thực thì can thiệp lên phía trên, khí Hư thì hãm xuống dưới; Bây giờ thầy thuốc chỉ dùng thuốc ôn bổ thăng đề, tuy dành được phép chữa Khí hư, chứ chưa có phép chữa được cái huyết bị quấy rối (Tiện huyết – Huyết chứng luận).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Vương Dục Học
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y