Chứng Táo Đàm – Y Gia Quán

I. Khái niệm:
Chứng Táo đàm là tên gọi chung cho những chứng trạng do táo tà hun đốt tân dịch, đờm ngăn trở Phế lạc mà gây bệnh. Chứng này nguyên nhân phần nhiều cảm nhiễm tà khí Thu táo lại kiêm cả đàm trọc ngăn trở ở trong, hoặc Phế Thận âm hư, hư hoả hun đốt tân dịch gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Táo đàm là đàm ít sắc trắng, keo dính khó khạc nhổ, họng ngứa khô ít tân dịch, khái thấu thở suyễn, mũi khô môi ráo, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Tế Sác hoặc Tế Sắc.

Chứng Táo đàm chủ yếu thường gặp trong bệnh Khái thấu; Các tật bệnh khác ít gặp.

Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Nhiệt đàm.

II. Phân tích:
Chứng Táo đàm chủ yếu gặp trong bệnh Khái thấu; điều trị nên nhuận táo hoá đàm, cho uống bài Bối mẫu qua lâu tán (Y học tâm ngộ).

Chứng này thường gặp ở người thể chất âm hư cao tuổi. Thể chất âm hư dễ cảm nhiễm táo tà, hun đốt tân dịch gây nên táo đàm. Vì âm tân bất túc nên có thể xuất hiện chứng trạng triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt. Người cao tuổi, khí âm bất túc, âm hư thì tân dịch thiếu, khí không hoá sinh tân dịch, dễ sinh ra táo đàm, nên thường có kiêm chứng khái suyễn đoản hơi, mệt mỏi yếu sức thuộc loại khí hư.

Chứng Táo đàm phần nhiều xuất hiện ở mùa thu táo nhiệt, tà khí táo nhiệt dễ làm hao thương tân dịch, hun đốt tân dịch thành đàm. Ở mùa Thu táo, táo tà phạm Phế xuất hiện chứng Táo đàm, phần nhiều có chứng trạng táo tà phạm Biểu phận như các chứng trạng phát sốt, hơi sợ phong hàn, đau đầu, ít mồ hôi.

Trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Táo đàm dễ xuất hiện chứng Phế âm hư. Phế âm bất túc, Phế mất sự tư dưỡng nên sinh ra táo nhiệt, hư hoả hun đốt kim, nung nấu tân dịch thành đàm, cho nên biểu hiện táo đàm ngăn trở Phế, có các chứng đờm ít sắc trắng, keo dính khó khạc nhổ, họng khô ngứa và suyễn khái. Chứng Phế âm hư có chứng trạng biểu hiện chủ yếu là trong đàm có lẫn máu, triều nhiệt mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều gò má đỏ bừng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.

III. Chẩn đoán phân biệt:

Chứng Nhiệt đàm với chứng Táo đàm, cả hai đều có chứng trạng cộng đồng như khái thấu đàm dính kết khó khạc ra, miệng khô họng ráo v.v. Cần phải phân biệt cho rõ ràng.

Chứng Táo đàm là do cảm nhiễm tà khí táo nhiệt ngoại cảm, hun đốt Phế tân, hoặc là vì Phế âm bất túc, hư hoả hun đốt Phế, đốt cạn chất dịch mà thành đàm, đặc điểm là họ khan ít đàm, miệng mũi khô ráo, thậm chí có biểu hiện da dẻ khô ráo do táo thịnh thương tân; cũng có thể khiến cho Phế lạc bị tổn thương mà trong đàm có lẫn máu hoặc đổ máu mũi.

Chứng Nhiệt đàm là do nhiệt tà nung nấu chất dịch mà sinh ra đàm, hoặc là đàm uất sinh nhiệt, đàm nhiệt cấu kết mà thành bệnh, cho nên đàm vàng mà dính, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, mặt đỏ môi hồng đó là những hiện tượng nhiệt thịnh. Về phương diện mạch và luỡi, cả hai chứng chất lưỡi đều đỏ, nhưng chứng Táo đàm thì chất lưỡi đỏ ít tân dịch; chứng Nhiệt đàm thì chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng nhớt. Chứng Táo đàm mạch phần nhiều Huyền Tế Sác hoặc Tế Sắc; Chứng Nhiệt đàm thì mạch đa số Hoạt Sác.

IV. Trích dẫn y văn:
Chứng Táo đàm, phát nhiệt môi se, phiền khát muốn uống nước, suyễn khái đoản hơi, lúc phát bệnh lúc không, khó khạc nhổ, đây là chứng ngoại cảm táo đàm. Nguyên nhân gây Táo đàm, hoặc gặp lúc can dương đang mạnh, hoặc gặp lức hoả lệnh đang cao, khi táo nhiệt quạt vào tạng Phế gây nên suyễn khái. Làm tổn thương Trường Vị thì gây nên Đàm nên Thấu, đó là ngoại cảm táo đàm gây nên. Mạch của chứng Táo đàm ắt phải Hồng Sác. Phù Sác là tổn thương ở Biểu, Trầm Sác là tổn thương ở Lý. Mạch bên trái Hồng Sác là táo làm thương Can Đởm; mạch bên phải Hoạt Sác là Táo làm thương Phế Vị.

Điều trị Táo đàm, nên thanh nhiệt nhuận táo, giáng hoả hoá đàm, cho uống các bài Trúc diệp thạch cao thang, Nhị mẫu thạch cao thang, Nhị mẫu nhị trần thang.

Chứng Táo đàm, khá. suyễn, suyễn nghịch, đàm hoả bốc lên, lúc ho lúc ngừng, đàm khó ra, thấu liên tục, mặt đỏ khí nghịch lên đó là chứng táo đàm do nội thương. 

Nguyên nhân gây nên Táo đàm, là do ngũ chí hoá quấy động ở trong, hoặc là sắc dục quá độ, chân thuỷ cạn kiệt, hoặc là ăn cao lương tích nhiệt, Trường Vị hun đốt hun đốt nung nấu tạng Phế, nhào luyện thành đàm thì hình thành chứng Táo đàm.

Mạch của Táo đàm, bộ Thố bên trái Sác Đại, đó là tạng Phế có nhiệt. Bộ Quan bên phải Trầm Sác, đó là Trường Vị có nhiệt. Bộ Quan bên trái mạch Sác, đó là tà khí Mộc Hoả. Hai bộ Xích Trầm Sác là Thận thuỷ táo kiệt.

Điều trị Táo đàm, cần dưỡng âm tráng thuỷ, nhuận Phế sinh tân thì hoả dẹp táo trừ mà Đàm không sinh ra nữa. Nếu dùng thuốc có vị táo để tiêu đàm thì tai hoạ như trở bàn tay. Thận thuỷ khô cạn, nên cho uống các bài Nhị đông Nhị mẫu thang. Do ăn cao lương mà tích nhiệt, cho uống bài Tiết Trai hoá đàm hoàn. (Đàm chứng luận – Chứng nhân mạch trị).

 

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Quý Thiệu Lương

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo