I. Khái niệm:
Chứng Nhiệt đàm còn gọi là chứng Hoả đàm, tên gọi chung cho những chứng trạng do đàm câu kết với nhiệt, đàm nhiệt ủng tắc ở Phế, hoặc là đàm hỏa quấy rối Tâm gây nên bệnh. Chứng này do nhiệt tà hun đốt tân dịch mà sinh đàm, hoặc đàm uất sinh nhiệt, nhiệt với đàm cùng câu kết gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Nhiệt đàm là đàm mầu vàng dính, hoặc đàm trắng dạng keo khó bài tiết, khái thấu thở suyễn, phền nhiệt đau ngực, miệng khô họng ráo hoặc sợ sệt, mất ngủ, hay cười vô cớ hoặc hành động cuồng vọng, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, mặt đỏ môi hồng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác. Chứng Nhiệt đàm thường gặp trong bệnh Khái thấu, Háo Suyễn, Bất mị, Cuồng, Kết hung.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Táo đàm, chứng Tâm hoả cang thịnh và chứng Ôn bệnh ở huyết phận.
II. Phân tích:
– Chứng Nhiệt đàm xuất hiện trong các bệnh Khái thấu, háo, Suyễn, Cuồng, Bất mị và Kết hung, tuy đều biểu hiện chứng trạng cộng đồng như đàm với nhiệt câu kết, nhưng trong tật bệnh khác nhau nên cũng có đặc điểm không giống nhau.
– Chứng Nhiệt đàm do nhiệt với đàm ngăn trở ở Phế có thể gây nên Khái thấu, Háo và Suyễn, ba bệnh này tuy cùng nguyên nhân bệnh và vị trí phát bệnh, cho nên có rất nhiều biểu hiện cộng đồng như đàm vàng dính, co thắt ngực, phiền nhiệt, khô miệng v.v. Chỗ khác nhau giữa ba bệnh này là: Khái thấu thì có đặc trưng khái thấu khí nghịch; Háo là một loại bệnh có từng cơn suyễn thở đàm khò khè, thường có bệnh sử từng cơn có thể theo dõi và có đặc trưng hô hấp gấp gáp, trong họng phát tiếng Hen, Suyễn là do đàm nhiệt gây nên, phần nhiều là ngoại cảm, thường có chứng hậu ngoại cảm như ố hàn phát hiện và có đặc trưng là thở gấp gáp, phải há miệng so vai, cánh mũi phập phồng v.v. Nhiệt đàm khái thấu, điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm, tuyên Phế chỉ khái, cho uống bài Thiên kim vi hành thang (Bị cấp Thiên kim yếu phương) gia vị. Nếu vì nhiệt đàm mà dẫn đến bệnh Hen, điều trị theo phép thanh nhiệt hoá đàm, tuyên Phế giáng nghịch, chọn dùng bài Định suyễn thang (Nhiếp sinh chúng diệu phương) gia giảm. Vì nhiệt đàm mà dẫn đến bệnh Suyễn, điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm, tuyên Phế bình suyễn cho uống bài Ma hạnh thạch cam thang (Thương hàn luận) hoặc Tạng bạch bì thang (Cảnh Nhạc toàn thư) gia giảm.
– Chứng Nhiệt đàm có thể gặp trong bệnh Bất mị, đặc trưng chủ yếu là sợ sệt mất ngủ, tâm phiền dễ sợ, ngực khó chịu, buồn nôn, ợ hơi đầy bụng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác, cho uống bài Ôn đảm thang (Thiên kim phương) gia giảm.
– Trong bệnh Cuồng xuất hiện chứng Nhiệt đàm, phần lớn là do tình chí bất toại, Can khí uất kết, uất thì hoá hỏa nung đốt tân dịch thành đàm, đàm với nhiệt quấy rối thần minh gây nên. Đặc trưng chủ yếu là thần trí cuồng loạn, biểu hiện lâm sàng tính tình nòng nấy hay giận, đau đầu mất ngủ, cuồng loạn vô tri, hai mắt trợn trừng, chửi bới vô luân, khí lực hung hăng, đánh người phá phách, chèo cao leo tường, chất lưỡi đỏ tíalưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Đại Hoạt Sác; Điều trị nên thanh Tâm quét đàm, trấn Tâm tả Can, cho uống bài Sinh Thiết lạc âm (Y học tâm ngộ) gia giảm.
– Chứng Nhiệt đàm cũng xuất hiện trong bệnh Kết hung, tà nhiệt ở Lý kết hợp với Đàm ở vùng bụng ngực, tạo nên chứng Nhiệt đàm kết hung, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mình nóng mặt đỏ, phiền khát uống lạnh, uống nước vào thì mửa, ngực bụng bĩ đầy, ấn vào đau, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác; điều trị nên thanh nhiệt hoá đàm khai kết, chọn dùng bài Tiểu hãm hung gia Chỉ thực thang (Ôn bệnh điều biện).
– Ở người dương thịnh dễ mắc chứng Nhiệt đàm. Dương thịnh thì nhiệt, nhiệt thịnh nung nấu tân dịch thì sinh đàm, nhiệt câu kết với đàm, làm nghẽn trở Phế và quấy rối Tâm biểu hiện hàng loạt triệu chứng của chứng Đàm nhiệt.
Trong quá trình diễn biến chứng Nhiệt đàm thường kiêm cả chứng Phế âm hư. Tà nhiệt hun đốt tân dịch sinh đàm, làm thương âm hao dịch, có thể thấy kiêm chứng Phế âm hư. Phế âm Pha hư là loại âm hư sinh nhiệt, cũng có thể hun đốt tân dịch hoá sinh ra nhiệt đàm. Vì vậy, chứng nhiệt đàm thường thấy kiêm Phế âm hư. Biểu hiện của Phế âm hư có các chứng trạng ho khan đoản hơi, đờm ít mà dính, hoặc đờm vàng có lẫn huyết, miệng ráo họng khô, khàn tiếng, thể trạng gày còm, triều nhiệt mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều gò má đỏ bừng, luỡi đỏ ít tân dịch, mạch Tế Sác.
III. Chẩn đoán phân biệt:
– Chứng Táo đàm với chứng Nhiệt đàm: Cả hai chứng này đều có thể xuất hiện chứng trạng đờm dính thành keo khó khạc nhổ, miệng khô họng ráo, khái suyễn khí nghịch.
Chứng Táo đàm phần nhiều do cảm nhiễm táo tà, hoặc ở thời kỳ cuối của bệnh Nhiệt, hoặc thổ tả, ra mồ hôi nhiều, mất máu nhiều làm tổn thương âm dịch, tân dịch táo kết ngưng trệ gây nên, đặc điểm của bệnh là ho khan ít đờm, lưỡi đỏ không rêu hoặc rêu lưỡi mỏng ít tân dịch, mạch Huyền Tế Sác.
Chứng nhiệt đàm do ngoại tà vào lý hoá nhiệt, hoặc ăn quá nhiều đồ cay nóng sào nướng thui nướng, nhiệt từ trong sinh ra, nhiệt hun đốt tân dịch, hun đốt thành đàm; Đàm với nhiệt câu kết, trở ngại Phế và phạm vào Tâm gây nên, đặc điểm chứng trạng là đờm vàng dính, mặt hồng môi đỏ, phiền nhiệt ngực đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.
Chứng Tâm hoả cang thinh với chứng Nhiệt đàm, cả hai chứng đều có thể có những chứng trạng miệng khô họng ráo, mặt hồng môi đỏ, tâm phiền mất ngủ, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Sác hoặc hay cười vô cớ hoặc có ý nghĩ ngông cuồng v.v. nhưng chứng Tâm hoả cang thịnh là do tình chí bất toại, ngũ chí hoá hoả hoặc là do lục khí bị uất mà hoá hoả, hoặc ăn quá nhiều đồ cay nóng ôn bổ, tâm hoả quấy động ở trong làm rối loạn thần minh gây nên bệnh. Biểu hiện lâm sàng ngoài những chứng trạng giống với những Nhiệt đàm đã nói ở trên, còn có thể biểu hiện các chứng trạng khác như đầu lưỡi đỏ nứt đau; Nếu Tâm nhiệt chuyển xuống Tiểu trường thì có chứng tiểu tiện đỏ rít đau buốt hoặc tiểu tiện ra huyết. Chứng Nhiệt đàm thì có kiêm các chứng trạng đàm vàng dính, hoặc đàm trắng như keo khó khạc nhổ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt và Sác.
– Ôn bệnh ở huyết phần với chứng Nhiệt đàm đều có thể xuất hiện các chứng trạng phiền táo không yên, thậm trí thần trí thất thường có chiều cuồng vọng, cho nên cần phân biệt trong lâm sàng.
Chứng Ôn bệnh ở huyết phần là ngoại tà từ biểu vào lý, truyền vào huyết phận gây nên bệnh, ngoài chứng sốt cao, thường có cả chứng trạng phát ban hoặc xuất huyết, chất lưỡi tía sẫm, mạch Tế Sác. Còn gây nên chứng Nhiệt đàm là thần trí cuồng vọng, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch phần nhiều Hoạt Sác, không có chứng xuất huyết mà lại có đặc điểm là khạc ra đờm vàng dính.
IV. Trích dẫn y văn:
– Chứng Nhiệt đàm, là nói nước uống vào tích đọng lại mà thành. Nói Âm Dương ngăn cách, Thượng tiêu sinh nhiệt, Nhiệt với đàm thủy cùng chọi nhau, tụ lại mà không tan cho nên người bệnh có sốt nhẹ, ảnh hưởng tới ăn uống, đầu mặt nóng bừng cho nên gọi là Nhiệt đàm (Đàm ẩm bệnh chư hậu Chu bệnh nguyên hậu luận).
– Bệnh ở Tâm kinh gọi là Nhiệt đàm, mạch Hồng mặt đỏ, phiền nhiệt đau vùng Tim, miệng khô môi ráo, nhiều lúc cười vô cớ, đàm kết rắn chắc thành hòn cục, cho uống các bài Tiểu hoàng hoàn, Đại hoàng thang (Đàm ẩm – Y tôn tất độc).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Quý Thiệu Lương
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y