I. Khái niệm:
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế là tên gọi chung cho một loạt chứng trạng do hàn tà với đàm câu kết nghẽn tắc khí đạo, xuất hiện Phế mất sự tuyên thông, hàn đàm quấy rối Phế. Bệnh phần nhiều bởi ngoại cảm phong hàn bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời hoặc ở người béo mập đàm thịnh lại cảm nhiễm hàn tà, hoặc trung dương bất túc, khí không hoá được tân dịch, hàn đàm từ trong sinh ra gây nên bệnh.
Biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng là khái thấu suyễn thở, khạc ra đờm trong loãng sắc trắng, gặp lạnh thì bệnh tăng, họng có tiếng đờm khò khè, hung cách bĩ đầy, sợ lạnh tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Trì.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế thường gặp trong các bệnh Háo chứng, Hung thống, Suyễn chứng, Cảm mạo, Khái thấu.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thủy hàn sạ Phế, chứng Phong hàn phạm Phế và chứng Phế dương hư.
II. Phân tích:
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế có thể gặp trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm riêng, phép chữa cũng không giống hẳn nhau.
- Như trong bệnh Háo xuất hiện chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, biểu hiện lâm sàng có những đặc điểm chứng trạng của Lãnh háo như hơi thở hổn hến, trong họng có tiếng khò khè, đờm trắng dính hoặc loãng mà nhiều bọt, hung cách nghẽn đầy như co thắt, sắc mặt tối trệ xanh xám, rêu lưỡi trắng trơn; đây là do hàn đàm ẩn náu, Phế khí vít nghẽn gây nên, điều trị nên theo phép ôn Phế tán hàn, quét đàm lợi khiếu, cho uống bài Sạ can ma hoàng thang (Kim Quỹ yếu lược).
- Trong bệnh Hung thống xuất hiện chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, đặc điểm lâm sàng là trong ngực đầy đau, xiên suốt sang lưng, đoản hơi suyễn gấp, họ mửa ra đờm bọt; đây là do hàn đàm kết tụ, Phế khí bị trở ngại, hung dương không mạnh gây nên; điều trị theo phép ôn Phế hoá đàm, thông dương giáng nghịch, dùng bài Quát lâu giới bạch bán hạ thang (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.
- Trong bệnh Suyễn gặp chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, đặc điểm lâm sàng là hô hấp suyễn gấp, khạc ra đờm trắng loãng, hay ngủ, ngực đầy ẩu nghịch, miệng nhạt kém ăn, sợ lạnh tay chân lạnh; đây là do Tỳ dương bất túc, hàn từ trong sinh ra, tụ thấp sinh đàm, can thiệp lên Phế gây nên. Suyễn thấu phương luận sách Nhân trai trực chỉ phương nêu ra “chỉ có tà khí ẩn náu, đàm rãi vọt lên, thở không được, hít không được, vì thế mà thở suyễn thượng khí”, điều trị theo pháp ôn hoá hàn đàm, giáng khí trừ ho, cho uống bài Linh cam ngũ vị khương tân thang (Kim Quỹ yếu lược).
Chứng hàn đàm ngăn trở Phế thường do phong hàn phạm Phế, hoặc ở người vốn có bệnh về Đàm lại nhiễm phong hàn dụ phát, cho nên cũng thấy đa số tật bệnh từ phong hàn phạm Phế dẫn đến cảm mạo, khái thấu; biểu hiện là khái thấu thở suyễn khạc ra đờm sắc trắng loãng, trong họng có tiếng đờm khò khè, hung cách đầy tức, rêu lưỡi trắng trơn; điều trị nên trên cơ sở sở phong tán hàn tuyên Phế, kèm theo thuốc ôn Phế hoá đàm.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế trong quá trình diễn biến bệnh cơ thường kèm theo hai tình huống: Một là liên lụy đến Tỳ (bệnh con liên lụy đến mẹ) dẫn đến chứng Thấp khốn Tỳ Vị như mất chức năng vận hóa, ăn uống kém, lờm lợm buồn nôn, đại tiện lỏng loãng, trướng bụng, sôi bụng v.v… Hai là liên lụy đến Thận (bệnh mẹ liên lụy đến con) dẫn đến Thận dương bất túc, xuất hiện các chứng trạng lưng đùi mỏi yếu, đêm tiểu tiện nhiều lần, đoản hơi mà suyễn, trong đàm có nốt đen lượng nhiều mà loãng, chân lạnh giá, nặng hơn thì trướng bụng phù thũng, đi tả vào tảng sáng.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Thủy hàn sạ Phế với chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, về bệnh nhân, cơ chế bệnh và biểu hiện lâm sàng của hai chứng này đều có chỗ giống nhau, rất dễ lẫn lộn, cần chẩn đoán phân biệt.
Chứng Thủy hàn sạ Phế phần nhiều do người bệnh vốn có thủy ẩm đình trệ ở trong, lại bị ngoại cảm hàn tà, Phế mất sự tuyên thông, hàn tà dẫn động thủy ẩm nghịch lên gây nên.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế phần nhiều do bị phong hàn điều trị không kịp thời, hàn tà chạy vào Phế du gây nên. Nếu do Trung tiêu hư hàn và ốm lâu Dương hư dẫn đến hàn đàm can thiệp lên trên, lại càng dễ chẩn đoán sai lầm với chứng Thủy hàn sạ Phế. Yếu điểm để phân biệt của chứng Thủy hàn sạ Phế là phần ngọn thì ở tạng “Phế”, mà phần gốc của bệnh biến lại ở hai tạng Tỳ Thận, vả lại có bệnh sử về Thủy ẩm; Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế lấy phong hàn là ngọn, mà bệnh biến là gốc ở hai tạng Tỳ Phế. Laoi trên là do ẩm tà ứ đọng ở ngực sườn hoặc trên cơ sở Thận dương hư dẫn đến phù thũng, lại thấy cả chứng trạng của Phế kinh như khái thấu, thở suyễn, đàm rãi nhiều sắc trắng. Loại sau thì đi thẳng vào chứng trạng của Phế kinh như nói ở trên làm chủ yếu, vả lại còn kèm theo các chứng trạng trong họng có tiếng đờm khò khè và hung cách bĩ đầy.
- Chứng phong hàn phạm Phế với chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, cả hai chứng tồn tại mối liên hệ nhân quả, biểu hiện lâm sàng thường có chỗ cũng giống nhau, cần phân tích rõ.
Chứng phong hàn phạm Phế là do ngoại tà phong hàn xâm nhập vào bì mao ở thể biểu, ẩn náu ở trong Phế, ảnh hưởng đến sự tuyên thông của Phế Vệ gây nên bệnh.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế ngoài những hiện tượng trung tiêu hư lạnh, hàn đàm can thiệp lên trên, hoặc dương hư âm thịnh, hàn đàm chứa chất ở Phế, phần nhiều do phong hàn phạm Phế bỏ lỡ cơ hội biểu tán, hàn tà bám vào Phế du, đàm ngăn trở Tedd đường lạc gây nên bệnh. Cho nên chứng phong hàn phạm Phế vừa có thể phát bệnh riêng lẻ, cũng có thể là giai đoạn tiền đề của chứng Hàn đàm ngăn trở Phế hoặc là nhân tố dụ phát.
Đặc điểm lâm sàng của chứng phong hàn phạm Phế là ố hàn phát nhiệt, đau đầu, tắc mũi nặng tiếng, hắt hơi, chẩy nước mũi trong, khái thấu, khạc ra đờm trong loãng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù; Phát triển thêm một bước nữa thì là thở gấp, trong họng có tiếng đàm, hung cách đầy tức, sợ lạnh, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Trì… chuyển hoá thành chứng Hàn đàm ngăn trở Phế; Nếu người bệnh vốn có hàn đàm lại cảm nhiễm phong hàn, cũng có thể trên cơ sở chứng hàn đàm ngăn trở Phế kết hợp với chứng Phong hàn phạm Phế; Trên lâm sàng cần phân biệt cho rõ.
- Chứng Phế dương hư với chứng Hàn đàm ngăn trở Phế, cả hai chứng tuy riêng biệt, nhưng lâm sàng rất dễ lẫn lộn, nên phân biệt cụ thể.
Chứng Phế dương hư là do họ lâu ngày tổn hại Phế, sau khi ốm bị tổn thương phần Khí dẫn đến Phế hư có hàn tà ấp ủ mà thành bệnh. Trên lâm sàng vì Phế dương hư, khí không hoá được tân dịch, sự thông điều kém, tân dịch trái lại biến thành bọt rãi, nôn mửa ra bọt rãi chất trong loãng lượng nhiều, không họ cũng không khát, được coi là những đặc điểm chủ yếu. Lại do Phế khí bất túc mà có chứng đoản hơi, Thủy cốc không biến được chất tinh vi nên tinh thần mệt mỏi và kém ăn; Thanh dương không thăng thì đầu choáng váng, Vệ dương bất túc thì cơ thể lạnh; Phần trên bị hư không còn khả năng khống chế phần dưới, Bàng quang mất sự co thắt cho nên tiểu tiện luôn hoặc di niệu; Khí hư có hàn thì chất lưỡi nhạt, mạch Hư yếu… Những biểu hiện đó có thể phân biệt với chứng Hàn đàm ngăn trở Phế. Loại sau là do phong hàn điều trị lỡ cơ hội, trung tiêu bị hư hàn, ốm lâu dương hư là những nhân tố dẫn đến hàn từ trong sinh ra, chứa chất ở tạng Phế, đặc điểm bệnh lý là “tân dịch bị ngưng đọng thành đàm”, không giống như chứng Phế dương hư “tân dịch hoá làm nước rãi”.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế thuộc Thực hoặc là chứng Bản hư Tiêu thực, khái thấu suyễn gấp khạc ra đàm sắc trắng trong loãng, trong họng có tiếng đàm, hung cách bĩ đầy, mà chứng Phế dương hư không có các chứng trạng này. Nhưng Phế dương hư dẫn đến tiểu tiên đi luôn, di niệu, chính là do sự chưa đầy đủ để biến thành chứng Hàn đàm ngăn trở Phế.
IV. Trích dẫn y văn:
- Trên Cách bị bệnh về Đàm, suyễn đầy ho mửa; khi phát cơn thì nóng rét, lưng đau mỏi, chảy nước mắt, người bệnh run rẩy nhiều, tất là có phục ẩm (Đàm ẩm khái thấu bệnh chứng mạch chứng tính trị – Kim Quỹ yếu lược).
- Sinh ra đàm, hoặc do sự biến hoá của tân dịch, hoặc do thủy ẩm gây nên. Nhưng cũng có khi do ăn uống biến hoá ra, đều là do Tỳ vận chuyển không bình thường đến nỗi đồ ăn không hoá ra chất tinh vi mà biến thành Đàm. Nhưng đàm úng tắc thì khí trệ, khí trệ thì Phế khí không dẫn xuống theo ý muốn, vì thế mà khái thấu, suyễn nghịch v.v… (Thành phương tiện độc).
- Khái mà khí nghịch, trong họng có tiếng khò khè, cho uống Sạ can Ma hoàng thang (Phế nuy Phế ung khái thấu thượng khí bệnh mạch chứng tính trị – Kim Quỹ yếu lược).
- Phế chủ khí, đi ra Vinh Vệ, để phân bố tân dịch; Thủy tà lấn vào, làm vít tắc khí đạo, khí ứ đọng thì tân dịch ngưng tụ, biến thành bọt rãi (Đàm ẩm luận – Y môn pháp luật).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lý Chấn Hoa
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y