I. Khái niệm:
Chứng Đại trường thấp nhiệt là tên gọi chung chỉ Thấp nhiệt nung nấu uất kết ở Đại trường, khí cơ ở Hạ tiêu bị úng trệ, sự truyền đạo thất thường dẫn đến một loạt chứng trạng. Chứng này phần nhiều do ăn uống không điều độ, ham ăn các thức nồng hậu rượu chè, hoặc thử thấp nhiệt độc xâm phạm đường ruột gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hạ lợi dính nhớt hoặc đại tiện ra máu mủ, lý cấp hậu trọng, hoặc đại tiện ra như tương, hoặc đại tiện ra nước vàng mà nóng rát hậu môn, có kiêm các chứng đau bụng, phát sốt, ra mồ hôi, về chiều nhiệt thịnh, ngực bụng đầy, chân tay nặng nề, biếng ăn buồn nôn, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.
Chứng Đại trường thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh Phúc thống, Lỵ tật, Thấp ổn, Tiết tả, Trường ung và Trĩ sương. Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Đại trường kết nhiệt, chứng Đại trường phong uất.
II. Phân tích:
Linh lan bí điển luận sách Tố Vấn nói: Đại trường là chức quan Truyền đạo, biến hóa tà đó mà ra. Thấp nhiệt nung nấu uất kết ở Đại trường, ngăn trở khí cơ, khí cơ không lợi thì đau bụng mót rặn. Đau bụng của chứng Đại trường thấp nhiệt, thấy đau rõ rệt ở bụng dưới, đại tiện dính trệ khó chịu và nóng rát giang môn, đau mà cự án, không ưa ấm nóng; Điều trị nên điều khí đạo trệ, thanh hóa thấp nhiệt, dùng bài Thược dược thang (Tổ Vấn bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập) gia giảm.
- Thấp nhiệt dồn xuống Đại trường, sự biến hóa truyền đạo của Đại trường mất chức năng gây nên Tiết tả, có chứng trạng đại tiện ra vẩn đục như vữa hoặc như nước vàng, rất hôi, khi đại tiện giang môn có cảm giác nóng rát, có thể dùng Cát căn cầm liên thang (Thương hàn luận) để thăng phát thanh khí của Đại trường, thanh hóa thấp nhiệt.
- Thấp nhiệt hun đốt tổn hại đến khí huyết của đường ruột gây nên Lỵ tật, có chứng đại tiện ra mủ máu, lý cấp hậu trọng, giang môn nóng rát; Điều trị nên thanh nhiệt lương huyết lợi thấp, cho uống bài Bạch đầu ông thang (Thương hàn luận) gia giảm; Nếu đại tiện ra như tương, thì gia Nha đảm tử.
- Thấp nhiệt úng nghẽn ở Đại trường, khí huyết ngưng trệ gây nên chứng Trường ung, bên phải bụng dưới đau dữ dội và cự án, có kèm theo phát sốt; Điều trị nên thanh lợi thấp nhiệt, hóa ứ tiêu ung, cho uống bài Đại hoàng mẫu đơn bì thang (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.
- Thấp nhiệt úng kết ở bờ dưới Đại trường, khí huyết ngưng trệ, tụ lại thành bệnh Trĩ, điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp, hành khí hoạt huyết, cho uống bài Hòe giác hoàn (Hòa tế cục phương).
- Bệnh Thấp ôn thường gặp chứng Đại trường thấp nhiệt, phải có chứng mình nóng dằng dai, ra mồ hôi mà xu thế nhiệt vẫn không lui, về chiều nhiệt càng thịnh, đại tiện loãng mà khó đi, mình nặng bụng đầy, nôn mửa ngán ăn, phép trị nên thanh nhiệt lợi thấp, cho uống Tam nhân thang (Ôn bệnh điều biện) gia Hoàng cầm, Ngân hoa, Liên kiều; Thấp thịnh gia Hoắc hương, Xương truật; Nhiệt nặng hôn mê gia Tử tuyết hoặc Chí bảo đan (Hòa tễ cục phương).
Ngày hè thử nhiệt hun đốt, thấp nhiệt kết ở Đại trường, ngoài những chứng trạng ở Hạ tiêu như đại tiện loãng mà khó đi, giang môn nóng rát, thường có kiêm chứng thấp nhiệt hun đốt bốc lên như đầu choáng óc căng trướng, ngực đầy khó chịu, lợm lòng buồn nôn; Điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp kiêm phương hương hóa trọc, cho uống bài Liên phác ẩm (Hoắc loạn luận) gia giảm.
Chứng Đại trường thấp nhiệt có thể thấy kiêm chứng ăn vào tổn thương Tỳ Vị; Ăn uống không điều độ, uống quá nhiều rượu chè, đồ ăn rượu uống câu kết với thấp nhiệt ở Trường Vị, có thể thấy chứng ợ hãng nuốt chua, bụng căng trướng no đầy, đại tiện tiết tả bài tiết ra phân hồi chua. Chứng Đại trường thấp nhiệt cũng thường kiêm thấy chứng Tỳ Vị thấp nhiệt. Thấp nhiệt uất kết hun bốc ở Trường Vị, vừa lợm lòng nôn mửa, bụng đầy kém ăn, đồng thời hoặc sau đó tiếp theo xuất hiện chứng đại tiện tiết tả, rêu lưỡi dính nhớt mà vàng, mặt mắt vàng. Đại trường thấp nhiệt để lâu ngày không chữa khỏi, hoặc là dùng quá nhiều thuốc hàn lương thanh lợi, thấp tà chưa sạch, chính khí đã suy, thấp theo hàn hóa, có thể dần dần chuyển thành chứng Đại trường hư hàn, có thể thấy các chứng trạng đại tiện lỏng loãng hoặc thành Hoạt tả, giang môn không có cảm giác nóng, bụng đau ưa chườm ưa ấm, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch Trầm Trì hoặc Tế Hoãn.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Đại trường kết nhiệt với chứng Đại trường thấp nhiệt: Cả hai đều là chứng nhiệt kết ở Đại trường, thuộc Thực chứng; Nói chung phần nhiều do ham ăn thức ngọt béo nồng hậu, rượu chè cay nóng, hỏa nhiệt ở đường ruột vốn thịnh hoặc nhiệt tà ở trong cơ thể chuyển xuống Đại trường đến nỗi mất chức năng truyền đạo, khí cơ bị uất trệ, cho nên đều có các chứng trạng đau bụng, đại tiện không lợi, giang môn nóng rát, rêu lưỡi vàng, mạch Sác có lực. Nhưng hai chứng này lại có chỗ khác nhau. Chứng Đại trường thấp nhiệt thường do ăn uống không điều độ, túc thực với thấp nhiệt câu kết với nhau, hoặc là do thấp nhiệt dịch độc xâm phạm trực tiếp đường ruột, hoặc thấp tà làm khốn Tỳ, tiến tới hóa nhiệt, thấp nhiệt nung nấu uất kết ở Đại trường, đại tiện loãng mà dính nhớt khó đi, hoặc có máu mủ dính nhớt, lý cấp hậu trọng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác; Đã có hiện tượng Nhiệt lại có cả hiện tượng Thấp. Chứng Đại trường nhiệt kết phần nhiều do ngoại tà xâm phạm Phế, Phế chuyển nhiệt xuống Đại trường, hoặc là thấp nhiệt hóa táo, hoặc là nhiệt tà cấu kết với thực tích, tóm lại là táo cấu kết với nhiệt có các chứng đại tiện khô ráo bí kết, giang môn đau rát, bụng trướng đầy rắn đau cự án, rêu lưỡi vàng xẫm mà táo hoặc nổi gai, mạch Hồng Sác.
- Chứng Đại trường phong uất với chứng Đại trường thấp nhiệt: Cả hai đều là chứng tà nhiệt uất kết ở Đại trường; Tà làm thương đường Lạc của Đại trường, có thể có chứng đại tiện ra huyết. Nhưng một thể là phong nhiệt uất kết, một thể là thấp nhiệt nung nấu uất kết, cần phân biệt.
Chứng phong uất là phong tà ở Thái dương chưa giải, truyền vào Dương minh, phong với nhiệt cùng quấy rối dễ làm thương đường Lạc ở ruột, hoặc là Can khí uất kết, phong khí khuấy động cũng làm thương đường Lạc ở ruột, bức huyết tràn ra ngoài nên đại tiện ra huyết, tất phải thấy bụng sườn trướng đầy, đắng miệng hay cáu giận, hoặc kiêm hàn nhiệt.
Phong là dương tà, hay đi khắp nơi và biến hóa luôn, đại tiện ra huyết nhưng không vẩn đục dính nhớt, không có hiện tượng giang môn sưng đau. Rêu lưỡi vàng mỏng ít tân dịch, mạch Huyền Sác.
Còn chứng Thấp nhiệt thì đại tiện ra máu mủ hoặc sắc huyết bầm như quả quá chín, mình nóng dằng dai, rêu lưỡi dày nhớt, mạch Hoạt Sác, rất dễ chẩn đoán phân biệt với chứng Phong uất.
IV. Trích dẫn y văn:
- Dồn xuống đột ngột và bức bách đều thuộc Nhiệt (Chí chân yếu đại luận – Tổ Vấn).
- Nhiệt ở trong ruột thì bài tiết ra phân sắc vàng như vữa (Sư truyền – Linh khu).
- Có thấp nhiệt ở Đại trường, vì lý cấp hậu trọng mà thoát giang, nên dùng phép Thanh như loại Đại du Thược dược thang trong sách Bảo mệnh tập (Lỵ môn – Xích thủy huyền châu).
- Có thấp kiêm nhiệt thì đại tiện ra cả cáu bẩn của ruột là Trường Vị có nhiệt, truyền hóa mất bình thường, mà tính của hỏa là cấp tốc, khuấy động thấp tà, cho nên mạch Sác, tiểu tiện đỏ rít, các chất bài tiết ra kéo dính và cáu bẩn (Tiết tả – Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc).
- Thấp nhiệt uất kết bức xuống Đại trường, đột nhiên đại tiện tóe vọt, giang môn có cảm giác nóng, mùi rất hôi, trong bụng có tiếng sôi, đó là chứng hạ lợi có kiêm nhiệt tà (Lâm chứng bị yếu – Nội khoa lâm chứng lục).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lữ Bỉnh Nhân
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y