I. Khái niệm:
Chứng Can Tỳ bất điều còn gọi là chứng Ca Tỳ bất hoà, nguyên nhân do Can uất khí trệ, Can khí lấn Tỳ, Tỳ mất sự kiện vận; hoặc do Tỳ hư thấp tà ấp ủ, thổ úng tắc, mộc bị uất dẫn đến chứng hậu công năng của hai tạng Can Tỳ không điều hoà gây nên; Bệnh phần nhiều do ức uất, cáu giận hại Can, ăn uống mệt nhọc, tư lự quá độ thương Tỳ hình thành.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ngực sườn trướng đầy đau, hay thở dài, tinh thần ức uất hoặc tâm phiều dễ cáu giận, miệng đắng họng khô, ăn uống xút kém, bụng trướng đại tiện nhão, sôi bụng trung tiện, hoặc đau bụng ỉa chảy, rêu lưỡi trắng hoặc nhớt, mạch Huyền.
Chứng Can Tỳ bất điều thường gặp trong các bệnh Tiết tả, Hiếp thống, Cổ trướng, Phúc thống, Nguyệt kinh bất điều, Đái hạ…
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Can Vị bất hoà, chứng Tâm Tỳ đều hư, chứng Tỳ hư thấp khốn và chứng Can hoả thượng viêm.
II. Phân tích:
- Chứng Can Tỳ bất điều gặp trong nhiều loại tật bệnh. Trong bệnh Tiết tả xuất hiện chứng này, đặc điểm bệnh biến là người bệnh thường ngày vốn có chứng ngực sườn bĩ đầy, ợ hơi kém ăn, mỗi khi bị ảnh hưởng tình chí như cáu giận ức uất hoặc tinh thần bị căng thẳng thì phát sinh đau bụng ỉa chảy ngay. Đây là do Tỳ khí vốn yếu, hoặc là vốn có thực trệ và thấp tà lại gặp khi tình chí làm hại Can, Can mất sự sơ tiết, hoành nghịch phạm Tỳ, Tỳ mất sự kiện vận, thuỷ cốc không tiêu hoá gây nén, chính như mục Tiết tả sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Gặp sự tức giận mà phát sinh ỉa chảy ngay, trước tiên phải là khi giận có kiêm cả ăn uống, đến nỗi tổn thương Tỳ Vị; Nhưng chỉ khi nào bị xúc phạm thì theo sự xúc động đó mà phát bệnh ngay, đây là bệnh của hai tạng Can và Tỳ, bởi vì Can mộc khắc Thổ, Tỳ khí bị thương gây nên; Điều trị nên ức Can phù Tỳ, cho uống bài Thống tả yếu phương (Đan Khê tâm pháp).
- Trong bệnh Hiếp thống xuất hiện chứng Can Tỳ bất điều, thì chứng đau sườn chủ yếu là phải trướng đau, đau chạy xiên xuốt, và có đặc điểm nữa là cơn đau gặp khi cáu giận hoặc ức uất thì bệnh nặng thêm, cơn đau này là do Can mất sự điều đạt, khí cơ không lợi mất chức năng sơ tiết gây nên. Bệnh lâu ngày thì Can khí lấn Tỳ ngoài chứng trạng đau, còn có các chứng kém ăn, mặt mắt phù nhẹ, chân tay bứt rứt khổ sở v.v. điều trị nên sơ Can lý khí kiện Tỳ, chọn dùng bài Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) linh hoạt thêm các vị thuốc kiện Tỳ như Phục linh, Bạch truật.
- Chứng Can Tỳ bất điều gặp trong bệnh Cổ trướng, biểu hiện lâm sàng nghiêng về khí trệ thấp nghẽn, cho nên có đặc điểm là bụng to ấn vào không rắn, da bụng căng, dưới sườn trướng đầy hoặc đau, tiểu tiện sẻn ít, kém ăn, sau khi ăn thì trướng, ợ hơi khó chịu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Huyền, chính như mục Thũng trướng nguyên lưu sách Thẩm thị tôn sinh thư viết: “Cổ trướng… hoặc do khí giận thương Can, dần dà làm vẩn đục Tỳ, Tỳ hư cùng cực cho nên Âm Dương không giao tiếp, trong đục lẫn lộn, đường toại đạo không thông; Uất mà thành nhiệt, nhiệt tích lai hoá thấp, thấp và nhiệt cùng phát sinh cho nên bụng trướng to”. Bệnh này cũng có thể do cảm thụ thấp tả hoặc ăn uống không điều độ, uống rượu quá mức làm cho Tỳ mất sự kiện vận, thuỷ thấp ứ đọng ở trong, thuỷ với thấp uất kết hoá nhiệt, thấp với nhiệt lưu lại ở Trung tiêu, Tỳ hư thấp thịnh vũ lại Can, Can khí mất sự điều đạt liền gây nên khí huyết ngưng trệ, mạch lạc ứ nghẽn, dần dà thành Cổ trướng; Mục Tích tụ sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Nếu no đói thất thường, ăn uống linh tinh đến nỗi Dương minh Vị khí một khi bị nghịch, thì khí âm hàn nhân đó mà lấn lướt, Tỳ không biến hoá kịp cho nên vật chất có thừa tích trệ lại chưa kịp tiêu sẽ cùng với bọt nước ở trong ruột, tụ lại không tiêu tan, dần dần biến thành Trưng tích”; Điều trị nên theo phép sơ Can lý khí, trừ thấp tiêu đầy, chọn dùng bài Sài hồ sơ Can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) hợp với Vị linh thang (Đan Khê tâm pháp).
- Trong bệnh Phúc thống gặp chứng Can Tỳ bất điều, biểu hiện lâm sàng chủ yếu có các chứng kém ăn, bụng trướng đầy, đau lan toả tới bụng dưới, len lỏi không cố định, tuỳ theo sự biến hoá của tình chí mà đau càng tăng, được ợ hơi hoặc trung tiện thì đỡ đau; Đây là do Can khí uất kết, Tỳ mất sự kiện vận gây nên, mục Tâm phúc thống sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Chứng đau nên phân biệt hữu hình hoặc vô hình. Nếu vô hình là đau ở Khí phận; Phàm bệnh về khí mà gây nên trướng đau, phải có lúc trướng lúc không trướng và đau không có chỗ cố định; Khi khí tụ thì đau mà có hình dạng, khi khí tan thì bình thường mất dấu vết; Đây là đau thuộc vô hình; Chỉ nên làm cho thuận khí, khí thuận thì hết đau” Điều trị nên sơ Can lý khí, cho uống Sài hồ sơ Can tán.
- Trong bệnh Nguyệt kinh không điều của phụ nữ xuất hiện chứng Can Tỳ bất điều, đặc điểm của bệnh là kinh ra sớm hoặc muộn, lượng kinh hoặc nhiều hoặc ít, hành kinh khó khăn, sắc tối có hòn cục, ngực sườn và bầu vú căng cứng, bụng dưới trướng nặng và đau, có khi kiêm cả phiền táo hay giận và biếng ăn; Đây là do tình chí ức uất hoặc cáu giận hại Can dẫn đến Can khí nghịch loạn, mất chức năng sơ tiết, hai mạch Xung Nhâm không điều hoà! Can uất lấn Tỳ, Tỳ hư không thống huyết, huyết hải tràn ứ thất thường gây nên; Điều trị nên sơ Can kiện Tỳ, dưỡng huyết điều kinh, chọn dùng bài Tiêu giao tán (Hoà tễ cục phương).
- Chứng Can Tỳ bất điều xuất hiện trong bệnh Đái hạ, biểu hiện chủ yếu là Hoàng đái ra liên miên không dứt, keo dính mà hôi, hoặc chảy ra nước vàng, hoặc kèm theo huyết dịch, bộ phận sinh dục nóng rát hoặc ngứa, có kiêm chứng đắng miệng khô họng, tâm phiền hay cáu giận, trướng bụng đại tiện nhão, ngực sườn trướng đầy v.v… Đây là do phiền táo hay cáu giận hại Can, Can khí hoành nghịch phạm Tỳ, Tỳ mất sự vận hoá, thấp trọc từ trong sinh ra; Thấp nhiệt bị uất lâu ngày hoá nhiệt, thấp nhiệt dồn xuống tổn thương hại mạch Xung và Đái gây nên; Cũng có khi do Tỳ hư thấp thịnh, phản vũ Can mộc, Can khí uất hết hoá nhiệt, thấp nhiệt dồn xuống mà thành; chính như Phụ nhân môn sách Bản thảo kinh sơ viết “Bệnh đái phần nhiều là Tỳ hư, Bởi vì Can khí uất thì Tỳ bị tổn thương, Tỳ bị tổn thương thì khí của thấp Thổ hạ hãm, đó là tinh hoa của Tỳ không giữ gìn, không chuyển vận để làm tốt cho huyết cho nên bài tiết ra chất trắng và trơn; Đều là do Can mộc uất ở trong đất khiến cho như thế; Phép chữa nên mở mang Can khí, để hỗ trợ cho nguồn sinh hoá của Tỳ”, điều trị nên sơ Can, thanh nhiệt, lợi thấp, chọn dùng bài Long Đởm tả can thang (Y tông kim giám).
Chứng Can Tỳ bất điều phần nhiều phát sinh ở nữ giới, phần nhiều do tình chí bất toại dẫn đến Can khí uất kết, công năng của tạng Phủ mất điều hòa nên mới nói: “Trăm bệnh sinh ra đều bởi khí” là như vậy. Người bệnh vốn sẵn có tình chí ức uất hoặc nóng nảy dễ cáu giận, thường có liên quan đến sự phát sinh phát triển của tật bệnh và biến hoá của tình chí. Can chứa huyết chủ về sơ tiết; Tỳ thống huyết chủ về vận hoá. Can uất khí trệ thì huyết dịch khó vận hành có thể dẫn đến huyết ứ; Hoặc Can không chứa huyết, Tỳ không thống huyết, huyết dịch tràn ra ngoài mạch đọng lại không trôi đi, cũng hình thành huyết ứ, do đó xuất hiện các chứng trạng đau nhói, có hòn không sưng, xuất huyết, sắc mặt đen xạm, da dẻ tróc vẩy, chất lưỡi tía tối hoặc có nốt ứ huyết, mạch Tế Sắc hoặc Kết Đại.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Can Vị bất hòa với chứng Can Tỳ bất điều; Hai chứng này đều do tình chí ức uất hoặc cáu giận làm cho Can khí uất kết, Can khí hoành nghịch xâm phạm trung tiêu gây nên. Hai chứng đều có biểu hiện Can khí uất kết như ngực sườn trướng đau, hay thở dài. Nhưng Tỳ nên thăng thì khoẻ, Vị nên giáng thì hoà. Chứng Can vị bất hoà là Can mất sự sơ tiết, hoành nghịch phạm Vị, Vị mất hoà giáng gây nên. Biểu hiện lâm sàng ngoài chứng trạng Can khí uất kết, đồng thời còn kiêm cả chứng trạng Vị khí nghịch lên như Vị quản trướng đầy đau, nấc và ợ hơi, rạo rực nuốt chua và nôn mửa. Còn chứng Can Tỳ bất điều là do Can khí uất kết, Can mộc lấn Tỳ – Tỳ mất sự kiện vận gây nên. Cho nên lâm sàng không những có đầy đủ chứng trạng của Can khí uất kết mà còn có kiêm chứng trạng Tỳ hư như kém ăn, đầy bụng ỉa chảy, sôi bụng trung tiện, cơ thể mệt mỏi yếu sức. Một đằng là Vị mất hoà giáng, Vị khí nghịch lên. Một đằng là Tỳ khí hư nhược, vận hoá thất thường – Cả hai loại rõ ràng khác nhau, có thể chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Tâm Tỳ đều hư và chứng Can Tỳ bất điều trên lâm sàng, hai chứng này đều biểu hiện chứng Tỳ hư. Nhưng chứng Tâm Tỳ đều hư phần nhiều do tư lự quá độ, lao thương Tâm Tỳ; Ăn uống không điều độ, tổn thương nguồn sinh hoá của khí huyết, Tâm mất sự nuôi dưỡng; Hoặc là sau khi ốm thiếu sự chăm sóc, bị mất huyết kéo dài dẫn đến tâm huyết hao thương, Tỳ khí bị tổn hại gây nên bệnh. Còn chứng Can Tỳ bất điều phần nhiều do uất giận thương Can, Can mất sự sơ tiết hoành nghịch phạm Tỳ, hoặc ăn uống mệt nhọc hại Tỳ, Tỳ hư thấp nung nấu phản vũ lại Can mộc gây nên. Hai chứng này, ngoài chứng trạng cộng đồng Tỳ hư như kém ăn, trướng bụng đại tiện nhão, sôi bụng trung tiện, chứng Tâm Tỳ đều hư còn biểu hiện cả chứng trạng Tâm khí huyết đều hư như hồi hộp, đoản hơi, khi hoạt động thì bệnh tăng, mất ngủ hay mê, hay quên, sắc mặt trắng bệch, tinh thần mệt mỏi, tự ra mồ hôi, mạch Tế Sắc hoặc Kết Đại. Còn chứng Can Tỳ bất điều thì có kiêm chứng trạng Can uất khí trệ như ngực sườn trướng đầy đau, tâm phiền hay giận, hay thở dài, kinh nguyệt không đều v.v… Cơ chế bệnh, nguyên nhân bệnh và biểu hiện lâm sàng của hai chứng này trong chỗ giống nhau lại có chỗ khác nhau, không khó phân biệt.
- Chứng Tỳ hư thấp khốn với chứng Can Tỳ không điều, trên lâm sàng, hai chứng đều có biểu hiện Tỳ khí hư yếu như kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão hoặc đại tiện không điều hoà, sôi bụng trung tiện. Nhưng chứng Tỳ hư thấp khốn là do Thấp tà làm hại Tỳ, Tỳ dương không mạnh, mất chức năng vận hoá, hoặc do Tỳ hư thuỷ thấp từ trong sinh ra, lâm sàng biểu hiện thủy thấp ứ đọng như các chứng trạng đầu mình nặng nề khốn đốn, ngực khó chịu, đau bụng ỉa chảy, phù thũng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu, khí hậu ẩm ướt bệnh càng tăng. Mà chứng Can Tỳ bất điều là do công năng của tạng Can Tỳ không điều hoà, dứt khoát phải xuất hiện các chứng trạng Can uất khí trệ như tinh thần uất ức hoặc nóng nảy hay giận, ngực sườn trướng đầy đau, hay thở dài… Căn cứ vào đó mà chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Can hoả thượng viêm với chứng Can Tỳ bất điều cả hai đều có đầy đủ chứng trạng Can uất khí trệ như tình chí ức uất hoặc nóng nảy hay giận, ngực sườn trướng đầy đau; cho nên cần phân biệt cho rõ.
Chứng Can hoả thượng viêm phần nhiều do Can uất khí trê uất lên ngày hoá hoả; tính của hoả là bốc lên, hoả khí nghịch lên gây nên; biểu hiện chủ yếu có các chứng trạng thuộc Can hoả như mặt đỏ, mắt đỏ, miệng đắng họng khô, phiền táo dễ cáu giận, vùng sườn đau rát, đau đầu choáng váng, tai ù như sóng trào, táo bón, tiểu tiện đỏ hoặc thổ huyết nục huyết. Còn chứng Can Tỳ bất điều thì có các chứng trạng đặc trưng của Tỳ hư như kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão, hoặc đau bụng ỉa chảy v.v…
IV. Trích dẫn y văn:
- Giận thì khí nghịch, nặng hơn thì mửa ra huyết và ỉa chảy, đó là do khí nghịch lên (Cử thống luận – Tổ Vấn).
- Thực tà ở Can, phần nhiều đầy hơi trướng bụng, điều trị nên làm ổn định. Cho đến sau khi cáu giận khí nghịch lên đã rút chỉ còn lại trung khí bị tổn thương. Đã không có chứng trạng trướng đầy đau, mà hoặc là mệt mỏi, hoặc là kém ăn, đó là Mộc uất khắc Thổ, tổn hại đến Tỳ vậy (Uất chứng – Cảnh Nhạc toàn thư).
- Tính của Can mộc thăng tán không chịu được uất át; uất thì kinh khí nghịch, sinh ra ợ, đầy, hoặc nôn mửa hoặc giận dữ đột ngột, đau sườn, hoặc ngực đầy kém ăn, hạc Sôn tiết, Hội sán… đều do Can khí đi ngang gây nên (Can khí – Loại chứng trị tài).
- Khí giận đến nỗi thổ huyết, sôn tiết, tiễn quyết, bạc quyết, dương quyết, hoặc ngực đầy sườn đau; Giận thì khí nghịch mà không giáng xuống, gây nên suyễn khát phiền tâm, là chứng Tiêu đản, là Phì khí, là mắt mù đột ngột, tai điếc đột ngột, gân chùng, phát bệnh ra bên ngoài là ung thư (Chư khí môn Trương thị y thông).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Hoàng Bính Sơn – Hách Cách Thuận
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y