Chứng Can Thận Âm Hư – Y Gia Quán

I. Khái niệm:

Chứng Can Thân Âm hư là do Thận âm bất túc dẫn đến Can âm bất túc; hoặc Can âm bất túc dẫn đến Thận âm khuy tổn mà thành bệnh, trên lâm sàng biểu hiện đầy đủ các chứng trạng âm hư của hai tạng Can và Thận, phần nhiều do ốm lâu lao thương, hoặc bệnh tả Ôn nhiệt làm hao thương Can âm và Thận âm gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mắt nhìn lờ mờ hoặc quảng gà, gân mạch co cứng, tê dại, co giật, móng tay chân khô ròn, đau sườn, chóng mặt, ù tai, lưng đùi ê mỏi, tóc rụng, răng lung lay, di tinh gầy còm, họng khô mệng ráo, ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều sốt từng cơn, gò má đỏ mồ hôi trộm, hư phiền mất ngủ, tiểu tiện vàng, đại tiện khô, chất lưỡi đỏ ít rêu hoặc không có rêu, mạch Trầm Huyền Tế Sác.

Chứng Can Thận âm hư thường gặp trong các bệnh Hiếp thống, Yêu thống, Hư lao, Huyết chứng, Huyễn vựng, Kinh nguyệt trước kỳ, Bế kinh và Thống kinh v.v…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tâm Thận bất giao, chứng Phế Thận âm hư và chứng Thận tinh bất túc.

II. Phân tích:

  • Chứng Can Thận âm hư có thể xuất hiện trong nhiều bệnh tật, Trong bệnh Hiếp thống (đau sườn) xuất hiện chứng Can Thận âm hư có đặc điểm vùng sườn đau âm ỉ dằng dai không dứt có kiêm các chứng trạng Can Thận âm khuy như đùi lưng ê mỏi, váng đầu hoa mắt, nóng từng cơn, mồ hôi trộm. Đây là do nội thương bất tình, hoá hoả thương âm, ốm lâu tinh huyết khuy tổn, mạch lạc mất sự nuôi dưỡng gây nên. Mục Hiếp thống sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Chứng đau sườn thuộc nội thương hư tổn, gặp trong những người phòng lao quá độ và Thận hư gầy còm, phần nhiều vùng sườn đau âm ỉ, đây là do Can Thận tỉnh hư không hoá khí, khí hư không sinh huyết gây nên”; Điều trị nên tư bổ Can Thận, cho uống bài Nhất quán tiễn (Liễu châu y thoại).

  • Chứng Can Thân âm hư trong bệnh Yêu thống, tính chất yêu thống phần nhiều là âm ỉ ê mỏi, lưng đùi vô lực, gặp mệt nhọc thì đau tăng, khi đi nằm thì đỡ đau, hơn nữa còn thêm các chứng mắt hoa nhìn mọi vật lờ mờ; Bệnh phần nhiều phú bẩm bất túc, ốm lâu thể lực yếu, hoặc phòng lao quá độ, gân mạch mất sự nuôi dưỡng gây nên; Điều trị nên tư bổ Can Thận, chọn dùng bài Tả qui hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).

Trong bệnh Hư lao cũng xuất hiện chứng này, người bệnh biểu hiện ngoài những chứng trạng do Can Thận âm tinh bất túc như lưng đùi ê mỏi, choáng váng tai ù, mắt nhìn lờ mờ, phần nhiều còn có thêm cả chứng trạng khuy tổn về khí huyết của nhiều tạng phủ toàn thân, nguyên nhân bệnh như mục Hư lao sách Y học cương mục viết: “Chứng hư là chỉ bì mao, cơ bắp, gần và móng tay chân, xương tuỷ và khí huyết tản dịch bất túc; Như nam giới suốt ngày bị mệt nhọc, hao tổn tinh thần, sức lực mòn mỏi, đói no thất thường, mừng giận lo nghĩ, cơ thể lạnh uống lạnh, buông thả sắc dục.. nguồn gốc từ đó dẫn đến hư kiệt”… Thượng cổ thiên chân luận sách Tố Vấn cũng viết: “Người đời nay thì không như thế, lấy rượu uống thay nước, lấy càn dỡ làm chuyện bình thường, say sưa mà nhập phòng làm hao kiệt cái tinh, hao tán chân nguyên, chẳng biết thế nào là đủ. không giữ được thần khí chỉ cốt khoái cảm, trái ngược lẽ sống, nằm ngồi không điều độ, cho nên chưa nửa trăm tuổi đã suy”. Điều trị nên tư bổ Can Thận, cho uống bài Đại bổ âm hoàn (Đan Khê tâm pháp).

  • Chứng Xỉ nục – chẩy máu răng – trong Huyết chứng cũng có thể biểu hiện đầy đủ chứng trạng Can Thận âm hư; Đây là do tình chí nội thương, buông thả sắc dục. Can Thận âm khuy, âm hư nội nhiệt, hun đốt mạch lạc, đường lạc bị thương thì huyết trào ra ngoài gây nên; xuất huyết có đặc điểm là sắc huyết hồng nhạt, chân răng lung lay và hơi đau, như Huyết môn sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Huyết chẩy ra từ chân răng, kẽ răng gọi là Xỉ nục, đây là bệnh của hai kinh Thủ Túc Dương minh và Túc Thiếu âm Thận. Thận thủy bất túc, miệng không hội, răng không đau, chỉ riêng răng lung lay không chắc, hoặc hơi đau, kẽ răng phần nhiều chảy máu, đó là Thận âm không bền, hư hoả bị xúc động gây nên”. Điều trị nên tư âm giáng hoả, lương huyết chỉ huyết, chọn dùng bài Tư thủy thanh Can ẩm (Y tôn Kỷ nhiệm biên), hợp với Thiến căn tán (Cảnh Nhạc toàn thư).

  • Bệnh Huyễn vựng xuất hiện chứng Can Thận âm hư, phát hiện lâm sàng từ từ, bệnh trình khá dài, triệu chứng Huyễn vựng khá nhẹ, phần nhiều thuộc Hư Huyễn, nhắm mắt đi nằm thì bệnh giảm, đồng thời còn có kiêm chứng trạng khác của Can Thận âm khuy, bệnh đa số do Thận thuỷ khuy hư, thủy không hàm mộc, phong dương quấy nhiễu lên trên; hoặc là Can Thận âm tỉnh suy hao không sinh được tuỷ, tuỷ hải bất túc gây nên; Mục Hải luận sách Linh Khu viết: “Tuỷ hải hữu dư thì sức lực dồi dào nhẹ nhõm, có thể làm vượt sức mình; Tuỷ hải bất túc thì đầu choáng tai ù, đùi mỏi mắt hoa, thậm chí mắt chẳng nhìn thấy gì, lười biếng chỉ thích nằm”; Điều trị nên tư bổ Can Thận, chọn dùng bài Kỷ Cúc địa hoàng hoàn (Y cấp).

  • Trong bệnh Hành kinh sớm của phụ nữ xuất hiện chứng Can Thận âm hư, biểu hiện lâm sàng là hành kinh trước kỳ, lượng ít sắc đỏ, chất dính, có thêm chứng trạng âm hư nội nhiệt như hai gò má đỏ, lòng bàn tay chân nóng; Đây là Can Thận âm khuy, âm hư nội nhiệt, bức huyết đi càn, hai mạch Xung Nhâm không bền gây nên. Mục Điều kinh sách Phó thanh chủ nữ khoa viết: “Hành kinh ra trước kỳ chỉ thấy một vài giọt, người ta cho là huyết nhiệt quá, chẳng ai biết là hoả vượng ở trong Thận mà thuỷ suy hay sao?… Kinh đến sớm mà lượng ít, đó là hoả nhiệt mà thủy bất túc vậy…”; Điều trị nên dưỡng âm thanh nhiệt, chọn dùng Lưỡng địa thang (Phó thành chủ nữ khoa).

  • Chứng Can Thận âm hư gặp trong bệnh Bế kinh của phụ nữ có biểu hiện hành kinh ban đầu hơi muộn, lượng ít sắc đỏ hoặc nhạt, dần dần dẫn đến Bế kinh; Phần nhiều do phú bẩm tiên thiên bất túc, thiên quý không đầy đủ, hoặc ốm lâu hư tổn, Can Thận tinh khuy huyết thiếu, Xung Nhâm mất điều dưỡng gây nên; Điều trị nên tư bổ Can Thận, dưỡng huyết điều kinh, chọn dùng bài Quy Thân hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).

  • Trong bệnh Thống kinh của phụ nữ gặp chứng Can Thận âm hư, đặc điểm lâm sàng là sau khi hành kinh đau âm ỉ bụng dưới liên miên không dứt sắc kinh nhạt lượng ít; Phần nhiều do Can Thận hư, tinh khuy huyết thiếu, hai mạch Xung Nhâm rỗng không, Bào lạc không được nuôi dưỡng gây nên; Điều trị nên điều bổ Can Thận, dưỡng huyết chỉ thống cho uống bài Điều Can tán (Phó thanh chủ nữ khoa).

Chứng Can Thận hư phần nhiều phát sinh ở người thể trạng gầy còm, hoặc là phú bẩm tiên thiên bất túc; Bởi vì sinh lý của phụ nữ có những đặc điểm như nguyệt kinh, mang thai, sinh đẻ, bú mớm v.v… rất dễ làm cho âm huyết bất túc, cho nên đa số phát sinh bệnh ở phụ nữ chính như ngũ âm ngũ vị thiên sách Linh Khu viết: “Người phụ nữ sinh ra, có thừa về Khí, bất túc về Huyết, là vì bị thoát huyết nhiều lần”.

Can Chứa huyết chủ về sơ tiết; Thận chứa tinh chủ về phát dục sinh thực. Về sinh lý, Can huyết và Thận tinh cùng dựa vào nhau: Can huyết đầy đủ thì huyết có thể hoá tỉnh; Thận tinh có dồi dào thì tinh có thể hoá ra huyết, cho nên về bệnh lý, Can âm bất túc với Thận âm khuy tổn thường có thể đồng thời xuất hiện; Trong quá trình biến hoá cơ chế bệnh của chứng Can Thận âm hư thường có vài tình huống: Can Thận âm khuy không khả năng chế ước được Can dương, Can dương thăng phát thái quá, nghịch loạn bên trên thì biểu hiện các chứng trạng Can dương thượng cang như đầu chướng đau, mặt đỏ hồng, nóng nẩy dễ cáu giận. Can Thận âm khuy lại có thể dẫn đến Phế âm suy hao, Phế âm bất túc, mất chức năng thanh nhuận túc giáng, âm hư hoả vượng, hun đốt Phế lạc, có thể thấy các chứng trạng ho khan đoản hơi, đờm ít mà dính, miệng ráo họng khô, khàn tiếng, khái thấu ra lẫn máu hoặc khạc ra máu. Can âm hư thì không giúp được cho Tâm ở trên, Tâm âm cũng khuy, âm hư nội nhiệt quấy rối tâm thần, có thể xuất hiện các chứng trạng tâm phiền không ngủ được, hay mê chóng quên, sợ sệt không yên. Thận là đất đai của thủy hoả, Thận là nơi ký gửi nguyên âm nguyên dương cùng dựa vào nhau mà tồn tại, cùng chế ước lẫn nhau, trong quá trình tật bệnh cũng ảnh hưởng lẫn nhau; Can Thận âm hư, âm tổn hại liên lụy đến Dương làm cho Thận dương cũng hư mất chức năng sưởi ấm, không còn quyền lực khí hoá có thể xuất hiện các chứng trạng cơ thể lạnh chân tay lạnh, sắc mặt trắng bệch, lưng đùi lanh mỏi, tiểu tiện trong dài hoặc di niệu, từ lưng trở xuống phù thũng nặng hơn, hình thành chứng hậu âm dương đều hư.

III. Chẩn đoán phân biệt:

  • Chứng Tâm Thận bất giao với chứng Can Thận âm hư: Tâm thuộc hoả chứa Thần, vị trí ở Thượng tiêu; Thận thuộc thủy chứa tinh, vị trí ở Hạ tiêu. Trên sinh lý, Tâm dương giáng xuống Thận để làm ấm Thận thủy, Thận âm đưa lên giúp đỡ Tâm để nuôi Tâm âm. Nếu Tâm Thận mất đi, quan hệ thủy hỏa cùng giúp đỡ nhau, Thận thủy bất túc, không hướng lên trên để tư dưỡng Tâm âm, âm không chế được Dương, Tâm dương một mình găng ở trên không giao với Thận ở dưới, sẽ hình thành chứng Tâm Thận bất giao. Chứng này ngoài những chứng trạng Tâm Thận âm hư như lưng gối yếu mỏi, váng đầu ù tai, nóng từng cơn, mồ hội trộm, ngũ tâm nhiều nhiệt, còn có kiêm cả biểu hiện Tâm dương găng một phía như hư phiền mất ngủ, hồi hộp v.v… mà không có hiện tượng Can âm hư. Chứng Can Thận âm hư không chỉ tồn tại biểu hiện Thận âm hư mà còn có cả chứng trạng Can âm hư như hai mắt khô rít, mắt hoa nhìn vật lờ mờ gân mạch co rút, tê dại co giật, móng tay chân khô ròn và sườn đau mà không biểu hiện Can dương găng một mình. Biểu hiện lâm sàng của hai chứng đều có đặc điểm riêng, không khó phân biệt.

  • Chứng Phế Thận âm hư với chứng Can Thận âm hư cả hai đều thuộc âm hư, biểu hiện lâm sàng đều thấy chứng trạng về Thận âm hư như chóng mặt, ù tai, thị lực giảm, hay quên ít ngủ, lưng đùi mềm yếu, thể trạng gầy còm, miệng khô, họng ráo ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều sốt cơn, mồ hôi trộm, gò má đỏ, nam giới di tỉnh, nữ giới kinh nguyệt ra ít hoặc bế kinh, băng lậu v.v… rất dễ lẫn lộn, cho nên cẩn phân biệt. Chứng Phế Thận âm hư phần nhiều do Thận âm khuy tổn, âm tính không dâng lên được hoặc là hư hoả hun đốt Phế, họ lâu ngày hại Phế gây nên. Lâm sàng thấy kiêm cả biểu hiện chứng trạng Phế âm hư như khái thấu không có đờm, ít đờm hoặc trong đờm có lẫn huyết, miệng ráo họng khô, khàn tiếng v.v… Còn chứng Can Thận âm hư phần nhiều do Thận âm bất túc không tư dưỡng được Can âm hoặc là Can âm bất túc đến nỗi Thận âm khuy tổn gây nên, người bệnh còn bị những chứng mắt nhìn lờ mờ hoặc quáng gà, gân mạch co rút, tê dại, co giật, móng tay chân khô ròn và đau sườn. Một chứng bộ vị mắc bệnh ở Phế Thận. Một chứng bộ vị mắc bệnh ở Can Thận, chẩn đoán phân biệt không khó.

  • Chứng Thận tinh bất túc với chứng Can Thận âm hư: Thận chứa tinh, chủ về phát dục và sinh thực. Thận tinh bất túc chủ yếu là chỉ tinh của tiên thiên khuy tổn, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát dục, đối với nam giới thì tinh ít không sinh dục được, đối với nữ giới thì kinh bế không thụ thai; đối với trẻ em thì phát dục chậm chạp, thân thể yếu ớt, trí khôn và động tác chậm chạp, xương mềm, thóp không kín, người lớn thì mau già, tóc rụng răng lung lay, hay quên, tinh thần hoảng hốt chân yếu vô lực, tinh thần chậm chạp, hành động thiếu nhanh nhẹn. Lâm sàng biểu hiện chỉ thấy âm tinh bất túc, không có triệu chứng hư nhiệt rõ rệt. Còn chứng Can Thận âm hư, không chỉ thấy xuất hiện tinh huyết khuy tổn như các chứng trạng răng lung lay, tóc rụng, lưng đùi mềm yếu và chóng quên, kém ngủ mà còn có cả các chứng trạng hư nhiệt như ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt mồ hôi trộm, miệng ráo họng khô hai gò má đỏ và chứng Can âm hư tổn như mắt nhìn lờ mờ, hoa mắt, gân mạch co rút và đau sườn v.v… rõ ràng là khác với biểu hiện lâm sàng của chứng Thận tỉnh bất túc đơn thuần.

IV. Y văn trích dẫn:

  • Tuổi trẻ mà bị mất nhiều huyết, hoặc suy sưa nhập phòng, làm khí kiệt hại Can, cho nên kinh nguyệt suy ít hoặc không thấy (Phúc trung luận – Tố Vấn).

  • Năm loại lao, sáu loại cực, bẩy loại thương; tích hư thành tổn, tích tổn thành thương hàng năm không khỏi gọi là Cửu hư, Can lao là do cố gắng mưu lự làm cho gần xương co cứng, quá lắm thì đầu mắt choáng váng. Thận lao thì lưng và xương đau, di tinh bạch trọc, quá lắm thì mặt nhờn, bẩn, đau cột sống (Chư hư – Y học nhập môn).

  • Có 10 chứng Can hư; Đau ngực sườn là Can huyết hư; Chuyển cân thuộc huyết hư; Mắt không nhìn được xa là Can huyết hư và Thận thủy chân âm bất túc; Mắt lờ mờ thuộc Can huyết hư có nhiệt kiêm Thận thủy chân âm bất túc; Mắt có màng là Can nhiệt kiêm Thận thủy bất túc; Mất huyết quá nhiều, uốn ván thuộc Huyết hư có nhiệt; Bụng dưới đau lan toả tới bộ phận sinh dục, ấn vào thì đỡ đau, thuộc Quyết âm kinh huyết hư; Thiên đầu thống thuộc Huyết hư; tạng Can có nhiệt không chữa ngay, lâu ngày ắt hại mắt; Mắt choáng váng tối sầm, thuộc Huyết hư kiêm Thận thủy chân âm bất túc (Bản thảo kinh sơ, quyển 2).

  • Lưng và cột sống mỏi đau liên miên lại thêm đùi gối mềm yếu là Thận hư… Thận hư đau lưng phần nhiều tại phòng dục. Nhưng xét thấy đã không có biểu tà lại không có thấp nhiệt, hoặc là tuổi cao suy yếu, hoặc tình chí phẫn uất, hoặc đi đứng gắng gượng, nằm ngồi khó khăn, hoặc mệt mỏi yếu sức, động đến mệt nhọc thì bệnh tăng, hoặc sắc mặt tối xạm mạch Hư Vi… đều là do Thận kinh bất túc (Yêu – tích – Thối – Túc thống – Trương thị y thông).

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Hoàng Bính Sơn – Hách Cách Thuận

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo