Chứng Can Kinh Thấp Nhiệt – Y Gia Quán

I. Khái niệm:

Chứng Can kinh thấp nhiệt là tên gọi tóm tắt những chứng trạng đau sườn, đắng miệng, hoàng đản, biếng ăn do tà khí thấp nhiệt nung nấu uất kết ở Can kinh gây nên. Phần nhiều do ngoại cảm tà khí thấp nhiệt, hoặc do ăn uống đồ béo ngọt rượu chè gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là Hoàng đản, sườn trướng đau, ăn uống sút kém, đắng miệng, sợ hãi mùi thơm mùi tanh, thân thể mỏi mệt. Nếu thấp nặng hơn nhiệt, thì rêu lưỡi nhớt hơi vàng;Nếu nhiệt nặng hơn thấp thì rêu lưỡi vàng nhớt, tiểu tiện sẻn đỏ mạch Nhu Sác hoặc Hoạt Sác.

Chứng Can kinh thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh Hoàng đản, Hiếp thống, Cổ trướng, Đái hạ.

Cẩn chẩn đoán phân biệt với các chứng Tỳ Vị thấp nhiệt, chứng Can Đởm thấp nhiệt, chứng Bàng quang thấp nhiệt.

II. Phân tích:

Thấp nhiệt xâm phạm Can kinh, làm ngưng trệ khí cơ, có thể trong những tật bệnh khác nhau xuất hiện cơ chế bệnh và biểu hiện lâm sàng có đặc điểm khác nhau.

  • Như bệnh Hoàng đản xuất hiện chứng Can kinh thấp nhiệt, biểu hiện toàn thân mặt mắt đều vàng, đau sườn, đắng miệng, sợ thấy mùi tanh tạo thơm hắc, mỏi mệt vô lực; Thấp có phần nặng hơn thì sắc vàng tối trệ, mình nặng, đầu như bị bọc, kém ăn, đại tiện lỏng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng sen vàng mà nhớt, mạch Nhu không Sác. Nhiệt có phần nặng hơn thì sắc vàng tươi như trái quýt, mình nóng tâm phiền, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, chất lưỡi đỏ, gốc lưỡi có rêu vàng nhớt, mạch Trầm Huyền mà Sác. Loại trên, điều trị nên tuyên khí hoá thấp thanh nhiệt, cho uống bài Nhị kim thang (Ôn bệnh điều biện) gia Nhân trần. Loại sau, điều trị nên sơ Can lợi Đởm, thanh lợi thấp nhiệt, cho uống bài Tứ nghịch tán (Thương hàn luận) bỏ Cam thảo, hợp với bài Nhân trần cao thang (Thương hàn luận).

  • Nếu trong bệnh Hiếp thống xuất hiện chứng Can kinh thấp nhiệt phần nhiều biểu hiện chứng trướng đau dai dẳng ở sườn phải, hoặc có từng cơn đau dữ dội, đau lan toả tới vùng dưới Tâm và ngực lưng, miệng đắng họng khô, nôn mửa, hoặc nóng rét qua lại, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện bí kết; điều trị nên sơ Can lợi Đởm, thanh giải thấp nhiệt, cho uống bài Đại sài hồ thang (Thương hàn luận) gia giảm.

  • Chứng Can kinh thấp nhiệt xuất hiện trong bệnh Cổ trướng, đặc điểm biểu hiện lâm sàng là bụng to và rắn đầy, bụng va sườn đau dội, sắc mặt úa vàng, chất lưỡi tía, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Huyền Sác; đó là do thấp nhiệt uất kết, khí trệ nước ứ đọng, Can và Tỳ đều tổn thương, bệnh liên lụy đến huyết phận, thấp với nhiệt làm nghẽn trở gây nên; điều trị nên thanh nhiệt lợi thủy, hoạt huyết hoá ứ, chọn dùng bài Nhân trần cao thang (Thương hàn luận) hợp với Hoá ban thang (Nghiệm phương) gia giảm. ta thấy

  • Trong bệnh Đái hạ xuất hiện chứng Can kinh thấp nhiệt, phần nhiều biểu hiện Đái hạ có sắc vàng nhạt, dính và hôi, lượng nhiều, hoặc đá hạ trắng đỏ lẫn lộn, kèm theo đau ngứa ở phái ngoài bộ phận sinh dục, tiểu tiện đục và giỏ giọt; Đây là do Can kinh thấp nhiệt dồn xuống gây nên; điều trị nên tả Can Đởm thấp nhiệt, cho úông Long đởm tả Can thang (Lan thất bí tàng).

III. Chẩn đoán phân biệt:

  • Chứng Tỳ Vị thấp nhiệt với chứng Can kinh thấp nhiệt: Can với Tỳ (Vị) là tạng Mộc và Thổ, trong bệnh lý thường ảnh hưởng lẫn nhau, vừa cũng là thấp nhiệt làm bệnh, biểu hiện lâm sàng rất dễ lẫn lộn. Nhưng phân biệt cho rõ vẫn có đặc điểm khác nhau. Bởi vì Tỳ chủ về vận hoá, Vị chủ về giáng nạp, nếu như có tà khí tích kết ở Tỳ Vị, thì mất chức năng vận hoá và sự thăng giáng thất thường, phần nhiều sẽ có các chứng trạng bụng bĩ đầy, nôn mửa chán ăn, vả lại do thấp nhiệt câu kết bức bách xuống dưới, có thể thấy các chứng đại tiện lỏng nhão khó chịu và tiểu tiện sẻn đỏ không lợi. Can chủ về sơ tiết, thấp nhiệt uất kết ở Can kinh thì sự sơ tiết thất thường, phần nhiều thấy các chứng trướng đau vùng sườn, đắng miệng, kém ăn; Vì Can bệnh truyền Tỳ, có thể thấy các chứng trạng nôn mửa trướng bụng, đại tiện không điều, tiểu tiện sẻn vàng. Tóm lại, chứng Tỳ Vị thấp nhiệt lấy thăng giáng thất thường làm chủ yếu; chứng Can kinh thấp nhiệt lấy khí cơ uất trệ làm chủ yếu. Loại trên có mạch Nhu Sác; loại sau có mạch Huyền Sác, có thể làm căn cứ để chẩn đoán phân biệt.

  • Chứng Can Đởm thấp nhiệt với chứng Can kinh thấp nhiệt: Hai chứng này, về các phương diện nguyên nhân bệnh, cơ chế bệnh và chứng trạng chủ yếu gần giống nhau, đều là do ngoại cảm thấp nhiệt hoặc nội thương ăn uống, thấp nhiệt uất trệ, khí cơ mất sự sơ tiết và điều đạt mà gây bệnh; đều có thể thấy các chứng trạng đau sườn, đắng miệng. Nhưng bộ vị mắc bệnh lại khác nhau, phép chữa cũng khác nhau, lâm sàng cần phân biệt rõ.

Chứng Can Đởm thấp nhiệt, chứng trạng của Đởm kinh khá đột xuất, như Hoàng đản ngày càng sâu dần, kèm theo tại điếc, họng khô, hoa mắt và mửa ra nước đắng. Chứng Can kinh thấp nhiệt, Hoàng đản có thể có, có thể không, hoặc có Hoàng đản nhưng chỉ nhẹ thôi. Nếu chứng Can kinh thấp nhiệt mà xu thế Hoàng đản ngày càng sâu, nói lên bộ vị mắc bệnh đã từ Can liên lụy đến Đởm, tà khí thấp nhiệt đã lan toả tới cả hai kinh Can Đởm. Hai chứng có trọng điểm khác nhau. Loại trên nghiêng về Đởm, loại sau nghiêng về Can, chẩn đoán phân biệt căn cứ vào cơ sở đó.

  • Chứng Bàng quang thấp nhiệt với chứng Can Đởm thấp nhiệt: Thấp nhiệt xâm phạm Hạ tiêu, có thể ảnh hưởng tới công năng khí hoá của Bàng quang. Thấp nhiệt xâm phạm Trung tiêu có thể ảnh hưởng tới công năng sơ tiết khí cơ của Can kinh; cả hai đều do bệnh biến thấp nhiệt ảnh hưởng khí cơ. Nhưng chứng Bàng quang thấp nhiệt có chứng trạng chủ yếu là tiểu tiện khó khăn như đái vội đái luôn, đái đau hoặc đái ra máu, hoặc đái có ra sỏi đá, niệu đạo không thông. Chứng Can kinh thấp nhiệt có chứng trạng chủ yếu là đau sườn, đắng miệng, kém ăn. Can kinh thấp nhiệt tuy cũng có thể dồn xuống tiền âm mà dẫn đến tiểu tiện buốt, nhưng có giai đoạn Can kinh thấp nhiệt kéo dài rất rõ ràng, còn chứng tiểu tiện buốt không phải là chứng trạng chủ yếu, căn cứ vào đó, chẩn đoán phân biệt của hai chứng không khó khăn.

IV. Trích dẫn y văn:

  • Người bệnh mình nóng, mắt có sắc xanh vàng, nhìn đồng tử và bắp thịt, sắc mặt cũng xanh, đó là vì Tỳ chuyển nhiệt sang Can, Can có sắc xanh (Ngũ sắc Hoàng hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).

  • Hình thành Hoàng đản có liên quan tới Đởm chấp… Đởm biểu lý với Can, bệnh biến ở tạng Can đa số ảnh hưởng tới Đởm, nên bệnh ở tạng Can xuất hiện Hoàng đản, cũng là lẽ rất tự nhiên (Khiêm Trai y học giảng cáo).

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Trình Thiệu Hoàn

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo