I. Khái niệm:
Chứng Can hoả thượng viêm là chỉ Can khí uất kết hoá hoả, hoả khí nghịch lên, có những chứng hậu chủ yếu như đau đầu, mắt đỏ, tai ù miệng đắng, phần nhiều do mộc uất không điều đạt, công dụng của Can thái quá gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau đầu chóng mặt, tai ù như sóng dồn, thậm chí tai điếc đột ngột, mặt hồng mắt đỏ, miệng đắng họng khô, sườn đau, phiền táo dễ giận, mất ngủ hay mê, hoặc thổ huyết, nục huyết, nuốt nước chua, táo bón tiểu tiện vàng, ven lưỡi và đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác.
Chứng Can hoả thượng viêm thường gặp trong các bệnh Đầu thống, Tai ù tai điếc, Xuất huyết, Bất mị, Nuốt nước chua, Cuồng táo.
Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Đởm nhiệt, chứng Can dương thượng cang.
II. Phân tích:
Chứng Can hoả thượng viêm có thể gặp trong nhiều tật bệnh, đều có đặc điểm lâm sàng riêng và phép điều trị cũng khác nhau.
Trong bệnh Đầu thống có chứng này thì có biểu hiện đau vùng đỉnh đầu, đau như búa bổ hoặc căng trướng bức tức khó chịu, hoặc cảm thấy gần mạch vùng đầu nhấm nhói và đau giật, phần nhiều kiêm chứng choáng váng không đứng vững, hoa mắt đỏ và đau, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Hoạt Sác. Đây là do tình chí uất kết, khí uất hoá hoả, tính của hoả bốc lên, quấy rối phủ thanh không, huyết khí bị nghịch loạn gây nên; điều trị nên dùng thuốc đắng tính lạnh để trực tiếp trừ bệnh, thanh Can tả hoả, dùng Long đởm tả can thang (Y tông kim giám).
- Nếu thấy tại ù tai điếc, biểu hiện là tai ù như đợt sóng, hoặc tai điếc không nghe được, tâm phiền hay giận, khi giận thì bệnh tăng, đêm ngủ không yên, đau đầu chóng mặt, mặt đỏ, miệng đắng họng khô, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác; đó là do tình chí ức uất, uất mà hoá hoả, hoặc đột ngột cáu giận hại Can, Can hoả đi theo đường kinh mà vít lấp tai, thanh khiếu bị che mờ gây nên bệnh; điều trị nên thanh Can tiết nhiệt, giáng hoả thông khiếu, cũng dùng bài Long đởm tả can thang hợp với bài Thông khí tán (Y lâm cải thác).
- Nếu gặp trong bệnh xuất huyết, biểu hiện là thổ huyết, nục huyết, sắc huyết đỏ tươi, đau sườn, đắng miệng, khô họng, tâm phiền hay giận, vật vã không yên, mắt đỏ nhiều ghèn, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác; đây là tình chí làm hại Can, khí uất hoá hoả, hoả và khí thúc ép nhau, dương lạc bị thương tổn mất chức năng chứa huyết, huyết đi theo tính hoả nhiệt, trào lên miệng mũi mà thành bệnh; Điều trị nên thanh Can tả hoả, mát huyết cầm huyết, vẫn dùng Long đởm tả can thang hợp với Tê giác địa hoàng thang (Thiên kim phương).
- Nếu Can hoả thượng viêm gặp trong bệnh Bất mị, chứng trạng biểu hiện là mất ngủ, không nằm được yên, dễ bị kinh sợ, hãi nghe tiếng vang, hay cáu giận, tâm phiền hai mắt đỏ, miệng đắng họng khô, kèm theo choáng váng tai ù, đại tiện bí kết, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Hồng Thực, đó là do Can hoả quấy nhiễu Tâm, thần không ở yên chốn gây nên; điều trị nên thanh Can tả hoả, yên thần định chí, cho uống bài Tả thanh hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết).
- Nếu gặp trong bệnh Thôn toan (nuốt nước chua), có biểu hiện hai bên sườn và Vị quản đau rát, ứa mửa ra nước chụa, bụng bĩ đầy ngực khó chịu, nhộn nhạo ợ hơi, miệng khô mà đắng, lưỡi đỏ mạch Huyền Sác, đây là do Can mất sự điều đạt, khí uất hoá hoả, hoả nghịch phạm Vị, Vị mất hoà giáng gây nên; Điều trị nên theo phép tân khai khổ giáng, thanh Can tả hoả, cho uống Tả kim hoàn (Đan Khê tâm pháp).
- Chứng Can hoả thượng viêm gặp trong bệnh Cuồng táo, biểu hiện các chứng trạng đau đầu mất ngủ, hai mắt trợn trừng, mặt mắt đỏ, nặng hơn thời cuồng loạn vô tri, nhẩy rào trèo tường, chửi bới liên tục không ngại thân sơ, hoặc phá phách đồ vật, sức mạnh hơn người bình thường, đại tiện bí kết, tiểu tiện đỏ rít, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng xốp, mạch Huyền Hoạt Sác, đó là do cáu giận hại Can, khí hoả hun đốt tân dịch thành đàm, đàm hoả úng thịnh quấy nhiễu lên trên, thần minh nghịch loạn gây nên Điều trị nên thanh Can tả hoả, quét đàm yên thần, dùng bài Đương qui long hội hoàn (Tuyên minh phương luận) hợp với Mông thạch cổn đàm hoàn (Dưỡng sinh chủ luận).
Trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Can hoả thượng viêm, vì hoả tà có đặc điểm bốc lên làm hao tân dịch, thường xuất hiện các kiêm chứng, như Can hoả thượng viêm lấn lên Phế kim, sẽ xuất hiện các chứng trạng Can hoả phạm Phế như khí nghịch ho khan, mặt đỏ họng khổ, họ có lúc đau lan toả tới sườn, lưỡi đỏ ít tân dịch, mạch Huyền Sác v.v… Vì tạng Can thể Âm mà dụng Dương, nhờ vào sự tư dưỡng của Thận thủy, nếu Can hoả hun đốt ở trong lâu ngày, không những hun đốt phần âm của bản tạng mà còn liên lụy tới Thận thủy, sẽ xuất hiện các chứng trạng Can Thận âm hư như choáng đầu khô mắt, lưng đùi ê mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, họng khổ đau, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tê.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Đởm nhiệt với chứng Can hoả thượng viêm: Đởm phụ vào Can, khí uất thì hoá nhiệt, nhiệt là tiền đề của hoả, hoả là cái nhiệt nặng hơn, cho nên Đởm nhiệt theo đường kinh quấy rối lên trên, chủ yếu có các chứng trạng mắt hoa, tai ù, họng khô, miệng đắng; tuy cũng có chứng đau đầu, mắt đỏ, nhưng không nghiêm trọng như chứng Can hoả thượng viêm hơn nữa, Đởm chủ về quyết đoán, Can chủ về cáu giận, cho nên, loại bệnh trên thường có chứng thở dài; loại bệnh sau ắt có các chứng nóng nảy hay cáu giận.
- Chứng Can dương thượng cang với Can hoả thượng viêm: Chứng Can dương thượng cang phần nhiều do phần âm của Can Thận bất túc, thủy không hàm mộc, Âm hư không lấy gì để chế dương, đến nỗi Can dương bay bổng, xông nghịch lên trên; Còn chứng Can hoả thượng viêm phần nhiều do thất tình thái quá, khí uất hoá hoả gây nên. Chứng Can dương thượng can là Bản hư Tiêu thực, là hạ hư thượng thực; Chứng Can hoả thượng viêm thì đơn thuần là thực chứng. Cơ chế bệnh, nguyên nhân bệnh của hai chứng này khác nhau, biểu hiện lâm sàng cũng không giống nhau.
Chứng Can dương thượng cang biểu hiện đau đầu phần nhiều là đau trướng, chóng mặt là kiểu choáng váng mắt hoa, đồng thời còn có cảm giác hành động chao đảo loạng choạng, tai ù phần nhiều như ve kêu, dần dần lại có từng cơn, lúc phát lúc ngừng, nặng hơn thì có thể xuất hiện trúng phong hôn quyết và di chứng miệng mắt méo lệch, nói năng khó khăn, bán thân bất toại, đó là âm hư ở dưới, dương mạnh ở trên, khí nghịch phong động gây nên. Vì Can Thận âm khuy ở dưới, ngoại phủ của Thận không được nuôi dưỡng, cho nên thấy các biểu hiện về âm hư như đùi gối mềm yếu, và các chứng trạng gò má đỏ bừng hoặc mặt đỏ nóng rát, chất lưỡi đỏ tía, hoặc ít rêu, mạch Tế Sác Những chứng trạng đó đều là Can dương thượng viêm không có đầy đủ.
IV. Y văn trích dẫn:
- Tướng hoả phụ vào Mộc, mộc uất thì hoá hoả, là nuốt nước chua đau sườn, là cuồng, là nuy, là quyết, là bĩ, là ách ế, là mất huyết, đều là do Can hoả xung kích vậy. Bệnh nhân họ Triệu, đau sườn trái, mạch Hồng tai ù, có lúc nôn, bụng trướng đau, đều do Can hoả rừng rực, ứ trọc không tiết giáng được, nên kìm chế cơn giận và điều độ ăn uống thì khỏi bệnh; phỏng theo bài Chi du thang: Sơn chi tẩm gừng sao, Hoàng liên tẩm nước Ngô thù sao, Bạch thược, Mẫu lệ sống, Đàn bì, Kim quất bì; uống vào là khỏi (Can khí – Loại chứng trị tài).
- Can hoả bốc cháy, lan toả khắp tam tiêu, trên dưới trong ngoài toàn thân đều bị bệnh, khó mà nói hết. Nếu mặt và gò má đỏ, kính quyết cuồng táo, lâm bí mụn nhọt, phiền khát chóng đói, nôn mửa, mất ngủ, huyết tràn ra trên và dưới, đểu bởi nó (Tây Khê thư ốc dạ thoại lục – Vương Húc Cao y thư lục chủng).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Chu Kiến Quý
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y