I. Khái niệm:
Chứng nguyên khí hư yếu ở trẻ em là chỉ tiên thiên của trẻ em phú bẩm bất túc hoặc ốm lâu mất sự điều dưỡng, công năng Tạng Phủ bị suy thoái, sức chống bệnh giảm dẫn đến chứng hậu này.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu gồm có:
a) Trẻ sơ sinh chưa đầy tháng, vừa lọt lòng mẹ thì tiên thiên thai bẩm bất túc, có chứng trạng sau khi sinh ra thể trạng tinh thần khiếp nhược, hơi thở yếu ớt, tiếng khóc nhỏ khẽ, sắc mặt trắng bệch, môi và móng tay chân sắc nhạt, chỉ văn nhạt
b) Tiểu nhi ốm lâu mất sự chăm sóc nuôi dưỡng, có chứng trạng sắc mặt úa vàng không tươi, da dẻ gầy còm, lông tóc khô ròn, tinh thần không mạnh, mệt mỏi hay nằm, lười ăn bú, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, mạch Nhu Tế, chỉ văn sắc nhạt.
Chứng nguyên khí hư nhược ở trẻ em thường gặp trong các bệnh sơ sinh không bắt vú, sơ sinh đại tiện không thông, sơ sinh tiểu tiện không thông, tiểu nhi Cam chứng.
Cẩn chẩn đoán phân biệt với các chứng Tiểu nhi dương khí hư nhược, chứng Tiểu nhi Thận khí hư nhược.
II. Phân tích:
Chứng nguyên khí hư nhược ở trẻ em có thể xuất hiện trong nhiều tật bệnh thuộc Nhi khoa, biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm và phép chữa cũng không giống nhau, cần phân tích.
- Như sơ sinh không bắt vú xuất hiện trong chứng nguyên khí hư nhược, biểu hiện lâm sàng sau khi lọt lòng được hai ba ngày không bắt bú hoặc bắt bú yếu ớt, hình thể tinh thần khiếp nhược, hơi thở nhỏ khẽ, tiếng khóc thấp nhỏ, chân tay không ấm, sắc mặt trắng bệch, môi nhạt, chỉ văn không rõ ràng; Đây phần nhiều đứa trẻ sinh ra chưa đủ tháng, tiên thiên thai bẩm bất túc, nguyên khí hư yếu; Hoặc do khó đẻ, trệ sản, quá trình đẻ quá dài đến nỗi nguyên khí tổn thương, phép chữa nên bồi bổ nguyên khí, sử dụng bài Độc sâm thang (Thập dược thần thư) sau đó cho uống Tứ quân thang (Hoà tễ cục phương) để kiện Tỳ bổ hư, khiến cho nguyên khí hồi phục dần dần.
- Lại như trẻ sơ sinh đại tiện hai, ba ngày không thông thuộc chứng nguyên khí hư nhược, sắc mặt trắng bệch, thần khí khiếp nhược, tiếng khóc yếu ớt vô lực, miệng lưỡi trơn nhuận, chỉ văn nhỏ sắc nhạt; đây là do thể trạng người mẹ vốn yếu, phú bẩm đứa trẻ bất túc hoặc là đẻ khó nguyên khí bị tổn thương, khí cơ không vận chuyển đến nỗi nhu động ở đường ruột vô lực, phép trị nên bồi bổ nguyên khí, sử dụng Độc sâm thang để ích khí phù nguyên, tiếp theo dùng Yểm tề pháp (ấu ấu tập thành) hoặc Mật tiễn đạo pháp (Thương hàn luận) để khỏi cho đi đại tiện.
- Trẻ sơ sinh tiểu tiện không thông gặp trong chứng nguyên khí hư nhược, thường là sau khi sinh hai ngày vẫn chưa thấy tiểu tiện, vả lại mặt trắng môi nhạt, thể trạng tinh thần mệt mỏi, tiếng khóc yếu, miệng lưỡi trơn nhuận, chỉ văn đỏ nhạt v.v… Đây là thai bẩm bất túc, nguyên khí suy vi, khí hoá không tuyên thông, thủy đạo không thông gây nên, phép trị nên bồi nguyên khí, ôn hoá lợi thủy, dùng Độc sâm thang hoà Ngũ linh tán (Thương hàn luận) cho uống.
- Tiểu nhi Cam chứng xuất hiện trong chứng nguyên khí hư nhược, mặt vàng gầy còm, đầu to cổ bé, lông tóc khô ròn, mỏi mệt thích nằm, lười ăn bú, bụng trướng đầy, lòng bàn tay chán nóng, có lúc nôn mửa, có lúc ỉa nhão, mạch Nhu Tế, chỉ văn nhạt trệ; Đây là do ăn bú không điều độ; Tỳ Vị ngấm ngầm tổn thương, tinh vi thủy cốc không vận hoá được, khí huyết Tạng Phủ không được nhu dưỡng lâu ngày thành nguyên khí suy yếu gây nên chứng này, phép điều trị nếu hư, thực cùng xuất hiện, có thể công bố cùng dùng, cho uống Phì nhi hoàn (Y tôn kim giám); Nếu như thể trạng gầy còm mệt mỏi, hiện tượng hư bộc lộ tất cả, nên nghĩ đến coi trọng bổ Tỳ, có thể dùng Nhân sâm khải tỳ hoàn (Y tôn kim giám) hoặc Sâm linh bạch truật tán (Hoà cục phương).
Chứng nguyên khí hư nhược phần nhiều gặp ở trẻ sinh thiếu tháng hoặc đẻ khó, biểu hiện lâm sàng hình thể tinh thần hư khiếp tinh thần bạc nhược, sắc mặt không tươi, lông tóc khô ròn, tiếng khó thấp nhỏ.
Chứng này còn có thể gặp trong nhiều tật bệnh của trẻ em, nếu phát triển đến giai đoạn nguyên khí hư nhược, tiên lương bệnh tình khá nghiêm trọng, trong quá trình diễn biến phát triển cơ chế bệnh, thường thấy kèm theo ba tình huống:
a) Sự hoá sinh của huyết phải nhờ vào tác dụng của khí, khí thịnh thì công năng hoá sinh của huyết mới mạnh; Khí hư thì công năng hoá sinh của huyết sẽ yếu; Bởi vậy, nguyên khí hư yếu thường có thể tiến thêm một bước dẫn đến huyết hư, có các chứng trạng đoản hơi yếu sức, sắc mặt không tươi, váng đầu hoa mắt, hồi hộp không yên, mất ngủ hay quên, mỗi và móng tay chân sắc nhạt, chân tay tê dại, mạch Tế vô lực, chất lưỡi nhợt bệu v.v…
b) Khí chủ sự sưởi ấm. Con người sở dĩ duy trì được thể ôn chủ yếu dựa vào tác dụng sưởi ấm của khí, nguyên khí hư yếu, tác dụng làm ấm áp thất thường sẽ xuất hiện các chứng thể trạng lạnh sợ lạnh chân tay không ấm.
c) Nguyên khí suy sụp, hoạt động sinh lý Tạng Phủ toàn thân giảm sút, sự sinh trưởng phát dục chậm chạp còn có thể xuất hiện chứng huyết đi đình trệ, thủy dịch ứ đọng và nhiều bệnh biến khác, khi lâm sàng, rất nên chú
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng tiểu nhi dương khí hư nhược với chứng nguyên khí hư nhược ở trẻ em, cả hai đều đều chỉ cơ năng Tạng Phủ suy thoái, năng lực chống đỡ hạ thấp dẫn đến Hư chứng; nguyên nhân và bệnh cơ giống nhau, chứng trạng lâm sàng gần như nhau, như các chứng sắc mặt trắng bệch, thiểu khí biếng nói, tiếng khóc thấp khẽ, mỏi mệt yếu sức, tự ra mồ hôi, hễ hoạt động thì bệnh nặng thêm, chất lưỡi nhạt mạch Hư vô lực v.v…
Nhưng nguyên khí hư nhược là chỉ đơn thuần cơ năng suy thoái, mà chứng dương khí hư nhược không chỉ có cơ năng suy thoái mà còn do Dương không chế được Âm, hàn từ trong sinh ra, lâm sàng còn có thể thấy các chứng trạng sợ lạnh tay chân lạnh, sắc mặt tối xạm, miệng nhạt không khát, tiểu tiện trong dài, mạch Trầm Trì, chất lưỡi tím tái v.v… Hai chứng có thể dựa vào đó mà phân biệt.
- Chứng Thận khí hư nhược ở trẻ em với chứng nguyên khí hư nhược ở trẻ em, cả hai là Hư chứng. Thận là gốc của tiên thiên, là nguồn của sinh mạng, chứa âm mà ngụ có chân dương, đối với mỗi một Tạng Phủ có tác dụng nhu nhuận, tư dưỡng và sưởi ấm. Nguyên khí do tinh của tiên thiên hoá sinh ra, nó là động lực cho mọi hoạt động sinh mạng của con người, mỗi một tạng phủ của con người được sự kích động thúc đẩy của nguyên khí, mới có thể tự phát huy được tác dụng khác nhau, vì thế hai thứ này tồn tại với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Như trẻ em Thận khí hư yếu tất phải thấy hiện tượng nguyên khí bất túc; Lại như ốm lâu mất sự chăm sóc cũng dần dà liên lụy đến Thận, cho nên khi biểu hiện chứng trạng có khá nhiều chỗ tương tự, ví dụ như tinh thần thể trạng hư khiếp, lông tóc khô ròn, da thịt gầy còm, tinh thần bạc nhược. Nhưng Thận khí hư nhược biểu hiện chủ yếu ở chỗ Tiên thiên Thận tinh tàng chứa bất túc, lâm sàng thường thấy các chứng kém trí khôn, tinh thần đần độn, phát dục chậm chạp, thóp mụ chũng thành hang, không kín hộp sọ v.v… Đây là điểm phân biệt với chứng nguyên khí hư nhược.
IV. Trích dẫn y văn:
- Sinh ra sắc mặt không có vẻ sáng sủa, da thịt nhẽo, đại tiện ra nước trắng, mình không có sắc máu, luôn luôn vướng mắc hay oẹ, mắt không lấp lánh… nên dùng phép tắm thân thể (Thai khiếp – Tiểu nhi dược chứng trực quyết).
- Chứng thai khiếp, sau khi sinh ra mặt không sáng sủa, da thịt nhẽo, đại tiện sắc trắng, mình không có sắc máu, mắt không lấp lánh, luôn luôn vướng mắc hay oẹ, đây là Thai khiếp, nếu không phải cha mẹ sinh ra khi đã quá luống tuổi, thì cũng là sinh ra ở người đã đẻ nhiều lần, khi gần hình thành thai thì nguyên tinh cũng rời rạc gần kiệt; Sau khi thụ thai khí huyết lại khó nuôi dưỡng trưởng thành đến nỗi sinh ra khiếp nhược. Nếu hậu thiên được chăm sóc hợp lý, mười phần thì may ra bảo toàn được một, hai, dùng Điều nguyên tán để hỗ trợ (Thai bệnh luận – Ấu ấu tập thành).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lô Chí
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y