I. Khái niệm:
Chứng Vị khí hư là tên gọi chung chỉ Vị khí bất túc, công năng thụ nạp và ngấu nhừ sút kém dẫn đến biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng Vị mất sự hòa giáng; Phần nhiều do ăn uống không điều độ, mệt nhọc hư tổn hoặc thổ, tả thái quá tổn hại Vị khí gây nên.
Chứng trạng chủ yếu trên lâm sàng là dạ dày đau âm ỉ, ấn vào thì giảm đau. Không thiết uống ăn hoặc sau khi ăn thì lâu tiêu, hoặc ăn vào thì thổ, có kiêm các chứng hụt hơi biếng nói tiếng nói thấp khẽ, sắc mặt vàng bủng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch Hư Nhược.
Chứng Vị khí hư thường gặp trong các bệnh Vị quản thống, Tào tạp, Ách nghịch, Ái khí, Âu thổ, Hư lao, Nhâm thân ố trở v.v…
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tỳ khí hư, chứng Vị dương hư, chứng Trung khí bất túc, chứng Can khí phạm Vị.
II. Phân tích:
- Chứng Vị khí hư có thể gặp nhiều trong các loại tật bệnh; Vì tật bệnh khác nhau nên lâm sàng cũng có đặc điểm không giống nhau.
Như Vị quản thống thời kỳ đầu phần nhiều thuộc Thực chứng (Can khi phạm Vị, ngoại tà hoặc Đàm ẩm lưu trệ ở Vị v.v… ) bệnh lâu ngày tổn thương chính khí, Vị khí bị tổn hại, thường xuất hiện chứng Vị khí hư; Đặc điểm là Vị quản đau lâu ngày, âm ỉ đau, khi đói thì đau tăng, được ăn thì giảm đau, ấn vào dễ chịu, lưỡi nhạt mạch Nhược; Đây là do Vị khí hư yếu, Kinh mạch không được ôn dưỡng gây nên; Điều trị nên bổ ích Vị khí, cho uống bài Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược).
- Trong bệnh Tào tạp (cồn cào) gặp chứng Vị khí hư, có biểu hiện giống như đói mà không phải là đói, giống như đau mà không phải là đau, nhưng cảm thấy trong Vị cồn cào không yên khó mô tả hình dung, miệng nhạt vô vị, lợm lòng nôn mửa; Bệnh do Vị khí hư nhược, không làm được chức năng ngấu nhừ, trọc âm không giáng xuống, đàm ẩm lưu trệ gây nên. Chính như quyển hai sách Bút hoa y kính viết; “Tào tạp là cồn cào quấy nhiễu không yên, được ăn thì tạm dễ chịu, thở gấp kém ăn, đó là trung tiêu hư yếu có kiêm đàm vậy”; Điều trị nên kiện Tỳ hòa Vị, cho uống bài Dị công tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết).
- Trong bệnh ách nghịch (Nấc) cũng có thể xuất hiện chứng Vị khí hư, biểu hiện lâm sàng tiếng Nấc thấp nhỏ yếu ớt, hơi không tiếp nối, tiếng nói nhỏ khẽ, không thiết ăn uống; Đây là Vị khí bất túc, khí mất sự hòa giáng nghịch lên trên mà thành Nấc; Mục Ẩu uế bệnh chư hậu sách Chư bệnh nguyên lưu luận viết; “Tỳ Vị đều hư, lại cảm nhiễm phong tà, cho nên cơm mới ăn vào Vị không thể chuyển hóa được, khí của cơm cũ với cơm mới can thiệp lẫn nhau làm cho Vị khí nghịch, Vị nghịch thì Tỳ cũng khí nghịch trướng đầy, lại do hơi lạnh ập tới thì thành oe”. Điều trị nên bổ Vị hòa trung trừ nấc, dùng bài Lục quân tử thang (Phụ nhân lương phương) gia giảm.
- Nếu trong bệnh ái khí (ợ hơi) xuất hiện chứng Vị khí hư, sẽ biểu hiện ợ hơi không bớt, mà không có hơi nồng thức ăn, dưới Tâm bĩ đầy, thích xoa bóp, đây là do phát hãn hoặc thổ, hạ, làm tổn thương trung khí, Vị khí hư yếu, thực trệ dẫn đến Vị khí nghịch lên; Mục Ẩu thổ sách loại chứng trị tài viết: “Vị hư khí ẩn náu nghịch lên ợ hơi muốn mửa, dùng vị mặn làm mềm chứng Bĩ, dùng chất nặng để giáng nghịch”; Điều trị nên bổ hư giáng nghịch, cho uống Toàn phúc đại giả thang (Thương hàn luận).
- Chứng Vị khí hư xuất hiện trong bệnh Ẩu thổ có đặc điểm nôn mửa ra nước rãi trong, hoặc ăn uống có chút không cẩn thận cũng nôn mửa ngay, biếng ăn hoặc đại tiện lỏng loãng, đó là Tỳ Vị hư yếu, thăng giáng thất thường gây nên, mục Ẩu thổ sách Y học chính truyền viết: “Mắc bệnh đã lâu khí bị hư, Vị khí suy nặng, ngửi thấy mùi cơm thì nôn ọe” nói lên đặc điểm của chứng này, điều trị nên kiện Tỳ hòa Vị, cho uống bài Lý trung thang (Thương hàn luận) gia giảm.
- Trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Vị khí hư, có chứng trạng gầy còm, sắc mặt vàng bủng không tươi, kém ăn, mỏi mệt yếu sức, tiếng nói thấp nhỏ, hụt hơi biếng nói, do Tỳ Vị hư yếu, nguồn sinh hóa huyết bất túc gây nên, mục Hư lao bệnh chư hậu thượng sách Chư bệnh nguyên hậu luận viết: “Tỳ cai quản phần cơ nhục toàn thân, Vị là bể của thủy cốc, hư lao thì Tạng Phủ không hòa, Tỳ Vị khí yếu cho nên không ăn được”; Điều trị nên bổ Tỳ ích Vị, có thể dùng Tứ quân tử thang (Hòa tễ cục phương) gia giảm.
- Ngoài ra, chứng Vị khí hư cũng gặp trong bệnh có thai nôn oe thuộc Phụ khoa, có đặc điểm là thời kỳ đầu có thai, lợm giọng nôn mửa hoặc ăn vào mửa ra ngay, sợ ngửi mùi cơm, không thiết ăn uống, lưỡi nhạt, mạch Hoãn Hoạt; Đây là thể trạng Vị vốn hư yếu, sau khi thụ thai khí huyết dồn xuống để nuôi thai, Vị khí căng yếu mất sự hòa giáng lại theo khí của Xung mạch nghịch lên gây nên bệnh; Sách Chư bệnh nguyên hậu luận viết: “Chứng ố trở này chỉ là Vị khí yếu lại phần nhiều có kiêm cả trệ nữa”; Điều trị nên kiện Tỳ hòa trung, dáng nghịch trừ nôn, cho uống Hương sa lục quân tử thang (Trương thị y thông).
Chứng Vị khí hư một năm bốn mùa đều có thể phát bệnh, gái trai già trẻ đều có thể bị, nhưng càng gặp nhiều ở người thể trạng yếu – Trẻ em có chứng Vị khí hư, đặc điểm chủ yếu là ăn uống kém, thích ăn một thứ hoặc không thiết ăn uống, thể trạng gầy còm.
Vị là bể của thủy cốc, chủ về thụ nạp và ngấu nhừ thủy cốc, khí ủa nó lấy giáng làm thuận, cùng biểu lý với Tỳ, gọi chung là “gốc của Hậu thiên” là “nguồn sinh hóa của khí huyết”. Trong quá trình diễn biến cơ chế bệnh, Vị khí bất túc, công năng thụ nạp và ngấu nhừ giảm yếu đến nỗi Tỳ khí hư, hình thành chứng hậu Tỳ Vị hư nhược. Hơn nữa Tỳ Vị hư nhược nguồn sinh hóa khí huyết bất túc, rất dễ lẫn lộn với khí huyết bất túc, biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng sắc mặt vàng bủng kém tươi hoặc sắc mặt xanh nhợt, thiểu khí biếng nói, chân tay rã rời, chóng mặt, lưỡi nhạt, mạch Tế Nhược v.v…
Đồng thời Vị khí hư nhược, trọc âm không giáng, khí trệ không thông cũng dễ lẫn lộn trong các loại bệnh tà lưu trệ như túc thực, đàm ẩm, ứ huyết; Mà xuất hiện các chứng trạng Vị quản trướng đầy đau, hoặc nhói đau cự án, hoặc bĩ đầy khó chịu, nôn mửa ra đờm rãi. Lại như Vị khí hư yếu, khí không giáng xuống, nôn mửa không dứt, không chỉ hao âm mà còn thương dương, hình thành chứng Vị âm dương đều hư; Biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng Vị quản nóng rát, kém ăn ợ hơi nuốt chua, mệt mỏi yếu sức, lòng bàn tay chân nóng, ngón tay lạnh, lưỡi đỏ ít rêu hoặc không có rêu, mạch Nhược, bệnh tình càng nặng nề.
III. Chẩn đoán phân biệt:
Chứng Tỳ khí hư với chứng Vị khí hư: Tỳ Vị thuộc thổ, cùng ở vị trí Trung tiêu; Tỳ chủ về vận hóa, Vị chủ về thụ nạp và ngấu nhừ, cộng đồng hoàn thành nhiệm vụ tiêu hóa đồ ăn, hấp thu và phân bố. Nếu Vị không thụ nạp và ngấu nhừ bình thường, thế tất ảnh hưởng tới sự vận hóa của Tỳ; Tỳ mất sự kiện vận, cũng sẽ ảnh hưởng tới sự thụ nạp và ngấu nhừ của Vị; Cho nên Tỳ khí hư với Vị khí hư thường đồng thời xuất hiện, cùng có những chứng trạng về khí hư như sắc mặt vàng bủng, thiểu hơi, biếng nói, lưỡi nhợt, mạch hư. Nhưng cơ chế bệnh và đặc điểm lâm sàng hai loại này không giống nhau, đặc điểm của Tỳ khí hư yếu là mất chức năng kiện vận, sau khi ăn thì chướng bụng, đại tiện lỏng loãng, thủy thũng. Còn đặc trưng của Vị khí bất túc là công năng thụ nạp và ngấu nhừ bị sút kém, xuất hiện triệu chứng ăn uống không mạnh, khó tiêu hóa. Tỳ khí nên thăng, Tỳ khí hư yếu, thanh dương không thăng thì có chứng Huyễn vựng. Vị khí chủ giáng, Vị khí bất túc, trọc âm không giáng, Vị khí nghịch lên cho nên nấc và ợ hơi, lợm lòng nôn mửa. Hơn nữa, Tỳ thống huyết, Tỳ khí hư thì mất quyền thống huyết, xuất hiện các chứng trạng xuất huyết như cơ nục, băng lậu. Đối với chứng Vị khí hư phân biệt không khó.
- Chứng Vị dương hư với chứng Vị khí hư: Khí thuộc Dương, Vị khí hư lâu ngày có thể phát triển thành Vị dương hư. Chứng Vị dương hư phần nhiều do ăn quá đồ sống lạnh, hoặc dùng thuốc hàn lương quá mức, gây nên tổn thương Vị dương, với nguyên nhân bệnh của chứng Vị khí hư có chỗ khác nhau. Vị dương bất túc, hư hàn từ trong sinh ra, mất sự sưởi ấm, thì Vị quản lạnh đau, ưa ấm thích xoa bóp, sợ lạnh, tay chân lạnh; Dương hư thì chất nước không biến hóa được, trọc âm nghịch lên, cho nên nôn mửa ra rãi trong. Còn chứng Vị khí hư thì Vị quản đau âm ỉ; Không thiết ăn uống, ăn vào khó tiêu, đó là Vị khí bất túc, công năng thụ nạp và ngấu nhừ bị giảm sút, thường kiêm các chứng trạng về khí hư như sắc mặt vàng bủng, thiểu khí biếng nói, chất lưỡi nhạt. Chứng Vị dương hư, mạch phần nhiều Trầm vô lực và có hiện tượng về Hàn rõ rệt; Chứng Vị khí hư mạch phần nhiều Hư Nhược, không có hiện tượng về Hàn; Đó là cơ sở chủ yếu để chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Trung khí bất túc với chứng Vị khí hư: Tỳ thuộc âm thổ, ưa táo ghét thấp. Vị là dương thổ, ưa nhuận ghét táo. Tỳ khí lấy thăng làm nhuận. Vị khí lấy giáng làm hòa. Trung khí bất túc thường do ăn uống không điều độ, mệt nhọc tư lự quá độ, ỉa chảy lâu ngày không dứt, tổn thương Tỳ khí, ảnh hưởng tới Vị gây nên bệnh; Cũng có thể do Vị khí hư yếu, trọc âm không giáng, thanh dương không thăng lên, Tỳ khí bị tổn hại gây nên. Trung khí bất túc, một là do Tỳ khí hư nhược mất chức năng vận hóa nên thấy các chứng hậu sau khi ăn bị trướng bụng, đại tiện lỏng loãng, thậm chí ra cả đồ ăn không tiêu; Hai là Vị khí bất túc, mất chức năng hòa giáng, nên thấy các chứng kém ăn, lợm lòng nôn mửa v.v… Hơn nữa còn kèm theo các chứng trạng khí huyết suy hư như thiểu khí biếng nói, chân tay rã rời, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt vàng bủng và chóng mặt… Chứng Vị khí hư đặc điểm chủ yếu là công năng thụ nạp và ngấu nhừ bị giảm yếu, không có chứng Tỳ khí hư yếu, khác với chứng Trung khí bất túc. Còn chứng Trung khí bất túc, có thể do thủy thấp đình tụ ở trong mà thấy lưỡi non bệu, có vết răng, mạch Hoãn. Chứng Vị khí hư phần nhiều chất lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng, mạch Hư Nhược, như vậy cũng có thể chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Can khí phạm Vị với chứng Vị khí hư: Can chủ sơ tiết, ưa điều đạt, có lợi cho Vị làm nhiệm vụ ngấu nhừ và tiêu hóa. Chứng Can khí phạm Vị phần nhiều cho tình chí không thoải mái, Can khí uất kết, mất quyền sơ tiết, khí mất điều đạt, hoành nghịch phạm Vị gây nên. Chứng Vị khí hư phần nhiều do ăn uống không điều hòa, buông thả quá độ, thổ tả quá mức, tổn hại đến Vị khí gây nên bệnh.
Can khí phạm Vị, khí cơ nghịch loạn, cho nên Vị quản đau dữ dội, cơn đau lan tỏa tới liên sườn; Vị mất hòa giáng, trọc âm nghịch lên thì Vị ăn vào ứ trệ, ợ hơi nuốt chua, lợm lòng nôn mửa, xu thế kịch liệt, còn có kiêm chứng Can uất khí trệ như phiền táo hay giận, vùng ngực khó chịu. Vị khí hư nhược khí nghịch lên cũng có thể xuất hiện các chứng ợ hơi kém ăn và lợm lòng nôn mửa; Xu thế bệnh từ từ, hơn nữa còn có đặc điểm là Vị quản đau âm ỉ. Chứng Can khí phạm Vị chất lưỡi phần nhiều bình thường hoặc chất lưỡi đỏ rêu vàng mỏng, mạch Huyền hoặc Huyền Sác, thuộc Thực; Chứng Vị khí hư, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch Hư Nhược, thuộc Hư… đó cũng là điểm chủ yếu để chẩn đoán phân biệt.
IV. Trích dẫn y văn:
- Thanh khí ở dưới thì sinh Sôn tiết; trọc khí ở trên thì sinh Điên trướng (Âm dương ứng tượng đại luận – Tố Vấn).
- Vị tượng thổ, vượng vào trưởng hạ, là kinh Túc Dương minh, là phủ của Tỳ, là bể của thủy cốc; Các Tạng Phủ đều nhận khí của thủy cốc từ Vị. Khí thịnh là hữu dư, thì bệnh ở Bụng và Điên trướng khí đầy, đó là Vị khí Thực, điều trị nên dùng phép tả. Vị khí bất túc thì đói mà không muốn ăn, Sôn tiết và ẩu nghịch, đó là Vị khí hư, điều trị nên dùng phép Bổ. Mạch của Vị Thực thì Trướng, Hư thì Tiết (Ngũ Tạng lục Phủ bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).
- Bàn về kinh Túc Dương minh Vị, biểu lý với Túc Thái âm, khí ưa ấm mà ghét lạnh, gặp ấm thì biến hóa được thủy cốc. Nếu khí bất túc, khí hàn lạnh xâm lấn, khiến cho ống chân lạnh không nằm được, ghê ghê sợ gió, mắt căng và thường đau bụng, hai bên sườn hư trướng và hay sôi bụng, lúc nóng lúc rét, môi miệng khô, mặt mắt phù thũng, ăn uống không được, đó là Vị hư lạnh cho nên như thế (Thanh tế tổng lục).
- Ăn uống không điều độ thì Vị mắc bệnh. Vị mắc bệnh thì đoản hơi, tinh thần kém mà sinh ra đại nhiệt, có lúc như ngọn lửa chườm vào mặt, sách Hoàng đế Châm kinh viết: Mặt nóng là bệnh của Túc Dương minh. Vị đã mắc bệnh thì Tỳ không bẩm thụ được gì. Tỳ là tạng âm cuối cùng, không phụ thuộc vào thời gian cho nên mắc bệnh cũng do đó (Tỳ Vị thắng suy luận – Tỳ Vị luận).
- Vị hư thì môi trắng nhợt, mạch hữu quan Nhuyễn Nhược, gây nên các chứng thổ, nấc, không ăn được, đau vị quản (Bút hoa y kinh).
- Vị:
- 1: Bể của thủy cốc, là ăn uống giảm sút, là trướng.
- 2: Nên hòa giáng, là các chứng lợm lòng, nôn mửa, nấc, ợ hơi, đau trung quản.
- 3: Là Dương thổ, là cồn cào, khát nước, chóng tiêu hay đói, hôi miệng.
- 4: Bộ vị tuần hành của Kinh Vị thường thấy chân răng sưng đau.
- 5: Biểu lý với Tỳ, Tỳ yếu thì tiêu hóa không tốt (Khiêm Trai y học giảng cảo).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Trần Bính Côn – Tào Hồng Hân
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y