I. Khái niệm:
Chứng Thận khí không bền là chỉ Thận khí suy hư, sự thu nhiếp che đậy không tốt dẫn đến Bàng quang mất sự co thắt, cửa tinh không bền gây nên bệnh, phần nhiều xảy ra ở nhân tố lao tổn hay tuổi cao.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tiểu tiện vặt mà trong, nhất là ban đêm tiểu tiện nhiều lần, sau khi tiểu tiện còn giỏ giọt không dứt hoặc không tự chủ, di tính tảo tiết, lưng gối ê mỏi, phụ nữ ra khí hư trắng loãng, động thai dễ sẩy, rêu lưỡi trắng chất nhợt, mạch Trầm Tế.
Chứng Thận khí không bền thường gặp trong các bệnh Di tinh, Di niệu, Lao lâm, Niệu trọc, Đái hạ và Thai lậu.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận khí hư, chứng Thân không nạp khí.
II. Phân tích:
Chứng Thận khí không bền phát sinh trong những tật bệnh có đặc điểm riêng và có phép trị khác nhau.
- Như trong bệnh Di tinh xuất hiện chứng Thận khí không bển, có các chứng trạng hoạt tinh nhiều lần, sắc mặt trắng nhợt, tinh thần uỷ mị, phần nhiều xảy ra ở lứa tuổi thanh niên tảo hôn, luôn luôn buông thả tình dục làm hao kiệt kho tàng Thận khí. Sách Chứng trị yếu quyết có nói: Sắc dục quá độ, hạ nguyên hư yếu, sẽ tiết tinh hoạt tinh không kiềm chế được. Điều trị nên Bổ Thận sáp tinh, chọn dùng bài Tế sinh bí tinh hoàn (Tế sinh phương), Ban long hoàn (Y thống phương).
- Nếu trong bệnh Di niệu gặp chứng Thận khí không bền, có chứng trạng són đái, tiểu tiện trong dài và đi nhiều lần, sắc mặt trắng nhợt, lưng đùi yếu mỏi hoặc trí tuệ chậm chạp; bệnh phần nhiều do tiên thiên bất túc, Thận hư không chế ước được thủy đạo gây nên; điều trị theo phép ôn Thận cố sáp, cho uống bài Tang phiêu tiêu tán (Bản thảo diễn nghĩa) hợp với Cố phù thang (Tạp bệnh nguyên lưu tế chúc).
- Trong bệnh Lâm xuất hiện chứng Thận khí không bền, có chứng trạng tiểu tiện giỏ giọt không dứt, lúc phát lúc ngừng, gặp mệt nhọc thì phát bệnh, dằng dai lâu khỏi, còn gọi là Lao lâm; bệnh phần nhiều do tửu sắc mệt nhọc hoặc bị các bệnh Lâm lâu ngày, Thận khí hư suy gây nên; điều trị nên bổ Thận cố sáp, chọn dùng bài Thỏ ty tử toàn (Thẩm thị tôn sinh thư) Lộc nhung bổ sáp hoàn (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc). Sill dins
- Chứng Thận khí không bền xuất hiện trong bệnh Đới hạ của phụ nữ, có đặc điểm chứng trạng là đới hạ ra trắng loãng, lưng đùi yếu mỏi, sắc mặt trắng nhợt, hành kinh kéo dài hoặc tử cung lạnh không thụ thai; điều trị theo phép bổ Thận chỉ đái, chọn dùng các bài Kim quĩ Thận khí hoàn (Kim Quỹ yếu lược) hợp với Hoàn đái thang (Phó thanh chủ nữ khoa).
- Nếu bệnh Thai lậu gặp chứng Thận khí không bền, có các chứng trạng đang thai nghén mà xuất huyết không dứt, sắc huyết nhợt, lưng đùi yếu mỏi, tinh thần uể oải; bệnh phần nhiều do lao tổn quá độ, Thận khí suy yếu, khí hư nên huyết mất chỗ dựa, cho nên huyết ra giỏi gọt không dứt; điều trị nên ích Thận bổ khí, cho uống bài Trợ khí bổ lậu thang (Phó thanh chủ nữ khoa). Lâm sàng có thể căn cứ vào những đặc điểm nói trên mà phân tích. Chứng Thận khí không bền phát sinh thường khác nhau ở từng người; Ví dụ như ở trẻ em thường là đái dầm, ở người cao tuổi thường biểu hiện Lao lâm, ở phụ nữ thường có các chứng đái hạ, thai lậu, ở nam giới thường là di tinh hoạt tiết. Nói chung nên căn cứ vào lứa tuổi mà phán đoán. Trong quá trình diễn biến bệnh cơ của chứng Thận khí không bền, nếu như lâu ngày không khỏi hoặc chữa chạy không đúng phương pháp, hoặc chăm sóc không thích hợp có thể phát triển thêm bước nữa là hoạt thoát không tự chủ, cuối cùng dẫn đến chứng hậu Hư thoát nguy hiểm. Vì thế, chẩn đoán và điều trị được sớm, là điều tất yếu.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Thận khí hư với chứng Thận khí không bền, nguyên nhân bệnh của hai chứng gần giống hau, cùng thuộc Thận hư, nhưng vẫn có chỗ khác nhau nhất định. Nguyên nhân hình thành chứng Thận khí không bền phần nhiều do ít tuổi Thận khí không đầy đủ, hoặc là tiên thiên phú bẩm bất túc; hoặc là tuổi cao Thận khí hư yếu; hoặc ốm lâu thể lực hư yếu; hoặc trẻ tuổi tảo hôn buông thả tình dục; phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, khiến cho Thận khí bất túc, mất đi chức năng cố nhiếp vững bền; cửa tinh không kín cho nên di tinh hoạt tinh. Thận với Bàng quang cùng biểu lý, Thận hư thì Bàng quang kém sự co thắt cho nên đái dầm hoặc đêm đi tiểu nhiều lần. Thận hư thì Xung Nhâm không bền cho nên đái hạ dằng dai, hay bị xẩy thai. Tính chất bệnh biến của chứng Thận khí hư gần giống với chứng Thận khí không bền nhưng biểu hiện lâm sàng của loại sau chú trọng vào cửa tinh không bền, Bàng quang kém sự co thắt. Còn loại trên thì trọng điểm là các chứng trạng về Thận hư đầu váng tai ù, lưng gối mềm yếu, mạch Trầm, rêu lưỡi trắng. Đó là cơ sở để chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Thận không nạp khí với chứng Thận khí không bền, tính chất của hai chứng đều thuộc Thận khí hư, nhưng chứng Thận không nạp khí nguyên nhân phần nhiều có bệnh sử về khái suyễn lâu ngày, tái phát nhiều lần, Phế khí bị hư tổn, “Phế là chủ khí, Thận là gốc của Khí”. Phế hư lâu ngày liên lụy đến tạng Thận, Thận mất đi quyền thu nạp, khí không trở về gốc gây nên bệnh, biểu hiện lâm sàng là suyễn thở không nằm được, đoản hơi thở khẽ hơi trên không tiếp hơi dưới, động làm thì thở tăng. Còn nguyên nhân bệnh của chứng Thận khí không bền lại không phải do Phế liên lụy đến Thận, mà phần lớn là tiên thiên bất túc, tuổi cao Thận suy, hoặc là lao thương Thận khí gây nên, biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng đặc điểm là cửa ngõ không kín, cửa tinh không bền. Chẩn đoán phân biệt giữa hai chứng không mấy khó khăn.
IV. Trích dẫn y văn:
- Thận với Bàng quang đều hư, khí ở trong không đầy đủ cho nên trong Bàng quang trơn tuột ra nhiều chất trắng trong, về ban đêm mà lại âm hư nên bệnh càng tăng (Nhân trai trực chỉ phương).
- Thủy tuy chủ ở Thận, nếu Thận nghịch lên Phế, gặp khi Phế khí mất chức năng, thì cuối cùng Thận thủy cũng không thu nhiếp được (Kim Quĩ dực).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Vương Khánh Kỳ
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y