I. Khái niệm:
Chứng Thủy hàn sạ Phế là tên gọi chung cho biểu hiện lâm sàng hàn tà và thủy khí xâm phạm tạng Phế làm cho hàn thủy bị nghịch nghẽn, Phế mất sự tuyên thông; phần nhiều do đàm ẩm dây dưa hoặc thủy thũng lại cảm nhiễm hàn tà, hàn tà dẫn động thủy ẩm gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có các chứng khái thấu thở suyễn, đàm rãi phần nhiều trắng mỏng, sắc mặt xanh nhợt hoặc tối xạm, cơ thể lạnh tay chân lạnh, thậm chí ngực đầy thở gấp, không nằm được, chóng mặt hoa mắt, mặt mắt phù thũng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn hoặc Hoạt.
Chứng Thủy hàn sạ Phế thường gặp trong các bệnh Ẩm chứng, Thủy thũng, Long bế, Suyễn chứng.
Cần phân biệt với các chứng Thủy khí lăng Tâm, chứng Thận dương hư thủy tràn lan và chứng Hàn đàm ngăn trở Phế.
II. Phân tích:
- Chứng Thủy hàn sạ Phế có thể xuất hiện trong nhiều tật bệnh, biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm nhất định, điều trị cũng không hoàn toàn giống nhau, cần phân tích rõ ràng.
Như trong Ẩm chứng xuất hiện chứng Thủy hàn sạ Phế, biểu hiện lâm sàng lấy chứng Huyền ẩm làm đặc điểm, ngực sườn trướng đầy, họ và nhổ ra đờm, khi xoay chuyển người và hô hấp đau càng nặng, đoản hơi thở gấp, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Huyền, đó là do ẩm tà ứ đọng ở ngực sườn, thủy tà bức bách Phế gây nên, mục Đàm ẩm khái thấu bệnh mạch chứng tính trị thứ 12 sách Kim Quỹ yếu lược có nói: “Sau khi uống, nước lưu đọng ở dưới sườn, họ nhổ và đau, gọi là Huyền ẩm”; điều trị nên công trục thủy ẩm, thể lực khỏe thì dùng Thập tảo thang (Thương hàn luận) thể lực yếu thì cho uống Đình lịch đại táo tả Phế thang (Kim Quỹ yếu lược). Lâm sàng biểu hiện là Chi ẩm, có các chứng trạng khái suyễn ngực đầy thậm chí không nằm được, đờm như bọt trắng lượng nhiều, họ lâu ngày thì mặt mắt phù thũng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Huyền Khẩn, đây là do Ẩm tà phạm vào Hung Phế, Phế khí nghịch lên gây nên. Mục Đàm ẩm khái thấu bệnh mạch chứng tính trị thứ 12 sách Kim Quỹ yếu lược có nói: “khái nghịch phải ngồi dựa mà thở, đoản hơi không nằm được hình như phù thũng, gọi là Chi ẩm”; điều trị nên Ôn Phế hoá ẩm, cho uống bài Tiểu thanh long thang (Thương hàn luận).
- Trong bệnh Thủy thũng xuất hiện chứng Thủy hàn sạ Phế, đặc điểm lâm sàng là mặt phù mình thũng, từ lưng trở xuống phù nặng hơn, ấn vào lõm lâu mới nổi, sợ lạnh thở gấp, vùng lưng lạnh và đau; đó là do Thận dương suy vi, thủy khí nghịch lên Phế gây nên; điều trị nên Ôn Thận trợ dương, hoá khí hành thủy, cho uống bài Chân vũ thang (Thương hàn luận).
- Trong bệnh Long bế xuất hiện chứng thủy hàn sạ Phế, đặc điểm lâm sàng là tiểu tiện lượng rất ít thậm chí không đi được giọt nào, sắc mặt trắng nhợt, đau lưng, chóng mặt buồn nôn, suyễn thở ngực đầy, đây là Thận dương suy vi, chất độc trong nước tiểu công phá, thúc ép thủy nghịch lên Phế gây nên. Mục Long bế sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Nước tiểu không thông đó là Long bế, đây là một chứng rất nguy cấp, thủy đạo không thông thì xông lên Tỳ Vị gây nên trướng, bên ngoài xâm lấn cơ nhục gây nên thũng tràn lan ở trung tiêu thành nôn oẹ, lại liên lụy đến Thượng tiêu gây nên suyễn…” điều trị nên ôn dương ích khí, lợi niệu giáng nghịch, cho uống Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương) gia giảm.
- Chứng Thủy hàn sạ Phế xuất hiện trong Suyễn chứng, đặc điểm lâm sàng là khái thấu suyễn thở, thì thở ra nhiều, thì hút vào ít, hễ động làm thì suyễn thở tăng, tiểu tiện không lợi, thậm chí chân tay mình mẩy phù thũng, chất lưỡi nhạt bệu, mạch Trầm Tế, đây là do dương hư mà thủy nghịch, xâm phạm lên Phế gây nên, điều trị nên nạp khí về Thận, ôn dương hành thủy, cho uống Hắc tích đan (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) hợp với Chân vũ thang.
Tóm lại, chứng Thủy hàn sạ Phế chủ yếu gặp trong những tật bệnh do thủy khí gây nên, hoặc dương hư âm thịnh, xu thế của thủy tràn lan ma xâm lấn lên Phế, hoặc trong cơ thể có hàn thủy tích trệ mà bên ngoài lại có hàn tà khơi gợi, gốc bệnh trách cứ ở Tỳ Thận mà ngọn bệnh trách cứ ở Phế. Trong quá trình diễn biến cơ chế bệnh, thường kèm theo hai tình huống: Một là thuỷ khí nghịch lên, khí ứ đọng ở hung cách, thường liên lụy đến Tâm dương, đến nỗi Tâm dương không mạnh, Tâm khí không yên dẫn đến có chứng Tâm quí. Hai là Tỳ Thận dương hư, không hoá được thủy khí, tụ lại rồi tràn lên trên diễn biến thành Đàm, xuất hiện các chứng trạng Hàn đàm ngăn trở Phế như trong họng có tiếng khò khè, Hung cách đầy tức v.v…
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Thủy khí lăng Tâm với chứng Thủy hàn sạ Phế, về bệnh lý, cả hai chứng giống nhau, về chứng trạng thì khác nhau rất xa, thường đồng thời xuất hiện.
Về bệnh lý, hai chứng đều do Tỳ Thận dương hư, khí hoá bị trướng ngại, thủy dịch bị ứ đọng gây nên bệnh; thủy khí nghịch lên xâm phạm Phế, thời là chứng Thủy hàn sạ Phế, thủy khí nghịch lên xâm phạm Tâm thì là chứng Thủy khí lăng Tâm.
Về bệnh sử, cả hai đều có Ấm chứng và Thủy thũng.
Về chứng trạng, đặc điểm lâm sàng của chứng Thủy khí lăng Tâm là Tâm quí. Đặc điểm lâm sàng của chứng Thủy hàn sạ Phế là họ nhổ suyễn gấp… Đó là những cơ sở để phân biệt.
- Chứng Thận dương hư thủy tràn lan với chứng Thủy hàn sa Phế; Chứng Thận dư hư thủy tràn lan là do Thận dương khuy tổn không làm chủ Thủy được, làm cho khí hoá ở Bàng quang không lợi, lượng tiểu tiện ít, đồng thời cũng ảnh hưởng tới sự vận hoá của Tỳ, đến nỗi thủy thấp tràn lan hình thành thủy thũng, có các chứng trạng phù thũng toàn thân, chi dưới nặng hơn, ấn vào lõm sâu, lưng nặng nề đau mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch Hoãn.
Chứng Thủy hàn sạ Phế phần nhiều do thể trạng vốn Tỳ Thận dương hư, thủy khí ứ tích lại cảm nhiễm hàn tà, hàn tà dẫn động ẩm tà ở bên trong gây nên bệnh. Cũng có thể từ cơ sở chứng Thận dương hư thủy tràn lan, Thủy tà xâm lấn lên Phế mà phát sinh, đặc điểm lâm sàng là khái thấu thở suyễn, đàm rãi nhiều sắc trắng. Một loại là tràn lan ra bị phu. Một loại là tràn lan lên Phế, đó là điểm chủ yếu để chẩn đoán phân biệt.
- Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế với chứng Thủy hàn sạ Phế, về nguyên nhân bệnh và bệnh lý của hai chứng này ảnh hưởng lẫn nhau, biểu hiện lâm sàng tương tự, cần phân biệt cho rõ.
Chứng Hàn đàm ngăn trở Phế phần nhiều do cảm nhiễm phong hàn điều trị không kịp thời, hàn tà xâm nhập vào Phế du, hàn đàm quấn quít gây nên; Cũng có thể do Trung tiêu hư hàn và bị ốm lâu gây nên dương hư mà hàn đàm xâm lấn lên Phế phát sinh.
Chứng Thủy hàn sạ Phế phần nhiều do Tỳ Thận dương hư, Thủy khí ứ đọng ở trong, lại bị hàn tà ở ngoài dẫn động, nghịch lên tạng Phế.
Hai chứng đó, một là Hàn đàm phạm Phế, một là Hàn thủy phạm Phế.
Trên bệnh lý, cả hai đều ảnh hưởng lẫn nhau, chứng Hàn đàm ngăn trở Phế có thể liên lụy đến Thận dương bất túc dẫn đến Thủy khí tràn lan nghịch lên tạng Phế. Chứng Thủy hàn sạ Phế cũng có thể do thủy ẩm tích tụ mà diễn biến thành Đàm, xuất hiện các chứng trạng Hàn đàm ngăn trở Phế.
Phương diện chứng trạng, chứng Hàn đàm ngăn trở Phế phải có chứng trạng khái thấu suyễn thở, khạc ra đờm trắng trong loãng, trong họng có tiếng đờm khò khè, hung cách đầy tức. Chứng Thủy hàn sạ Phế thì không có chứng trạng về hàn đàm như khò khè trong cổ và hung cách đầy tức. Như vậy có thể chẩn đoán phân biệt dễ dàng.
IV. Trích dẫn y văn:
- Có trường hợp khái thấu nặng, ban đêm nặng hơn, không sao nằm được, đó là Thận thủy tràn lên, thổ yếu không lưu thông, Thủy khí xông lên Phế. Tiếng nặng và gấp gáp liên miên không dứt, bức bách muôn vẻ, thở không nối tiếp, điều trị theo phép Tiểu Thanh long, phép Chân vũ thang của Trọng Cảnh (Luận khái thấu – Độc y tuỳ bút).
- Chứng Chi ẩm xâm phạm ở trên, ngăn trở Khí thì nghịch lên Phế, hình thành chứng Suyễn tiêu (Đàm ẩm môn – Y môn pháp luật). Thận chủ thủy, Phế chủ khí; Thận hư không chế được thủy, cho nên Thủy đi bừa, thấm ra bì phu khiến toàn thân phù thũng; Lưu tán không ngừng, lấn lên Phế ở trên, Phế gặp thủy thì phù, phù thì khí dồn lên mà thành khái thấu (Thủy thũng khái nghịch thượng khí hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lý Chấn Hoa
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y