I. Khái niệm:
Tỳ khí hư còn gọi là Tỳ khí bất túc, Trung khí bất túc. Chứng Tỳ khí hư là chỉ Tỳ không vận chuyển mạnh và nguyên khí bất túc mà hình thành chứng hậu. Tinh khí bị mất thì hư, Khí hoá sinh từ tinh, tinh sinh ra từ thủy cốc; mà sự vận hoá thủy cốc, hấp thu và phân bố đều dựa vào sự thịnh suy của Tỳ. Nếu Tỳ khí bất túc, Tỳ mất sự vận chuyển mạnh thì thủy cốc không biến hoá được. Thủy cốc không biến hoá thì tinh sẽ thiếu, Tinh thiếu thì khí suy. Mục Ẩm thực lao quyện sở thương thuỷ vi nhiệt trung luận sách Tỳ Vị luận có nói: “Tỳ Vị khí suy, nguyên khí bất túc”. Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ, mệt nhọc quá sức, ưu tư kéo dài, tổn thương đến Tỳ thổ; hoặc phú bẩm bất túc, thể trạng vốn hư yếu, hoặc cao tuổi thể lực yếu, hoặc ốm nặng vừa mới khỏi, điều dưỡng không đầy đủ v.v…
Chứng trạng chủ yếu trên lâm sàng của chứng Tỳ khí hư là ăn uống không mạnh, ăn vào no ngay hoặc bụng trướng đầy sau khi ăn, miệng không biết ngon, thậm chí hoàn toàn không nghĩ gì đến ăn, đại tiện lỏng nhão, tinh thần uể oải, thiểu hơi biếng nói, chân tay rã rời, mỏi mệt hay nằm, sắc mặt vàng bảng không tươi, gầy còm, chất lưỡi nhạt hoặc nhạt bệu có vết răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Nhược vô lực.
Chứng Tỳ khí hư thường gặp trong các bệnh Tiết tả, Vị quản thống, Phúc thống, Thủy thũng, Đàm ẩm, Háo suyễn, chứng Nuy, Hư lao và chứng Tiểu nhi cam tích.
Chứng Tỳ khí hư dễ lẫn lộn với các chứng Tỳ dương hư; chứng Tỳ hư thấp khốn, chứng Tâm Tỳ đều hư, Lâm sàng nên chú ý phân biệt.
II. Phân tích:
Tỳ Vị là gốc của Hậu thiên. Mục Tỳ Vị hư thực truyền biến luận sách Tỳ Vị luận nói: “Khí của Tỳ Vị đã tổn thương, nguyên khí cũng không đầy đủ, đó là lý do phát sinh ra các tật bệnh vậy”. Một khi Tỳ khí bị hư, là nguyên nhân nổi lên của mọi bệnh. Nhưng trong các tật bệnh khác nhau, biểu hiện lâm sàng về bệnh cơ và phép chữa chứng Tỳ khí hư đều không giống nhau, cần phân tích kỹ.
- Trong bệnh Tiết tả xuất hiện chứng Tỳ khí hư, có đặc điểm là thường gặp nhiều ở người đi tả kéo dài, chính vì vậy mới gọi là Tỳ hư tiết tả. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đi tả lâu ngày không khỏi, đồ ăn không tiêu hoá, đại tiện lúc lỏng lúc nhão, lúc nhẹ lúc nặng. Khi ăn nhiều hoặc ăn các thức dầu mỡ thường đầy bụng sôi bụng, đau bụng ỉa chẩy nhiều lần. Nguyên do vì Tỳ khí hư yếu, vận hoá mất quyền, thủy thấp không biến hoá được nên ăn vào không tiêu, trong đục không phân, cho nên đại tiện lỏng nhão và kéo dài không khỏi. Mục Tiết tả nguyên lưu sách Thẩm Thị tôn sinh thư nói: “Một chứng Nhu tiết còn gọi Đỗng tiết là do thấp quá nặng, tức là tiết tả do Tỳ hư, vì thổ hư không khống chế được thủy thấp, Vị Trường không bền, Thấp tà thắng mà thành bệnh”. Trương Cảnh Nhạc viết trong mục Tạp bệnh mô sách Cảnh Nhạc toàn thư, đoạn bàn về các bệnh Tiết tả có nói: “nếu chỉ vì Tỳ hư, chỉ các loại bài thuốc như Tứ quân tử thang, Sâm truật thang, Sâm linh bạch truật tán là nên dùng”.
- Nếu các bệnh Vị quản thống, Phúc thống xuất hiện chứng Tỳ hư, bộ vị đau ở Vị quản hoặc phía trên rốn, nguyên nhân đau đa số do thể chất vốn Tỳ Vị hư yếu hoặc ốm lâu, bệnh nặng vừa khỏi lại tổn thương Tỳ Vị, hoặc mệt nhọc quá độ khiến cho Tỳ khí không vận chuyển mạnh mà thành bệnh, đặc điểm chứng đau là liên miền dằng dai, chứng trạng lúc nhẹ lúc nặng, bệnh tình kéo dài, ưa xoa bóp, gặp ấm thì giảm đau, trên lâm sàng, các chứng Vị quản thống, Phúc thống với Tỳ Vị dương hư thuộc Vị thống hư hàn và Phúc thống rất khó phân biệt dứt khoát, vì Khí cũng thuộc Dương, đau thuộc Dương hư tức là đau thuộc khí hư phát triển thêm một bước, điều trị nên kiện Tỳ ích khí ôn trung, cho uống các bài Tiểu kiến trung thang. Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim Quỹ yếu lược).
- Nếu bệnh Thủy thũng thấy chứng Tỳ khí hư, có đặc điểm phù thũng bắt đầu từ mi mắt dưới, buổi sáng phù ở đầu mặt khá rõ, sau khi mệt nhọc thì chi dưới phù nặng, thậm chí phù thũng toàn thân, tiểu tiện bình thường hoặc ít hơn. Mục Thủy trướng sách Linh Khu nói: “Lúc bắt đầu bị bệnh Thủy, mi mắt hơi sưng như mới ngủ dậy, khi họ thời nổi động mạch ở cổ, bên trong bắp đùi lạnh, ống chân phù, bụng to, đó là đã hình thành bệnh Thủy”. Đây là loại phù thũng thoạt tiên từ mi mắt, thứ đến ống chân, cuối cùng là thũng ở bụng và toàn thân, phần nhiều do Tỳ khí bất túc gây nên. Mục Thũng trướng nguyên lưu sách Thẩm thị tôn sinh thư viết: “Bệnh Thủy thời Tỳ tất hư, cho nên chủ yếu phải kiện Tỳ”, và “lý khí dưỡng Tỳ để chữa từ gốc bệnh, khiến cho Tỳ khí bền chắc mà vận hoá mạnh, thủy sẽ tự lưu thông”, cho uống bài Sâm Truật kiện Tỳ hoàn (Thẩm thị tôn sinh thư) hoặc dùng Lục quân tử thang (Phụ nhân lương phương) hợp với Ngũ linh tán (Thương hàn luận) gia giảm.
- Trong bệnh Đàm ẩm xuất hiện chứng Tỳ khí hư thì đàm ra phải trong loãng hoặc có bọt, lượng nhiều và dễ họ. Vì Tỳ khí ở trung tiêu bất túc, chức năng kiện vận giảm sút, thuỷ thấp không hoá cho nên tân dịch ứ đọng lại, thấp tụ thành đàm, cho nên có thuyết nói “Tỳ là cái nguồn sinh ra đàm, chữa đàm mà không lý Tỳ là không biết chữa”. Mục Đàm ẩm sách Y tôn tất độc viết: Tỳ thổ bị hư do thấp, dùng phép thanh khó mà thăng lên, trừ cái trọc khó mà giáng xuống, lưu trệ ở trong ruột, ứ lại thành đàm; cho nên chữa Đàm trước tiên phải bổ Tỳ, Tỳ hồi phục vận chuyển bình thường thì đàm tự hoá”, sử dụng các bài Nhị trần thang (Hoả tễ cục phương), Bạch truật hoàn (Khiết Cổ gia chân), Lục quân tử thang (Phụ nhân lương phương) gia giảm.
- Chứng Tỳ khí hư xuất hiện trong bệnh Háo suyễn, phần nhiều gặp ở trẻ em bẩm phú không đầy đủ, Tỳ thổ vốn yếu, thủy cốc không biến hoá được chất tinh vi, biến thành đàm trọc trú ngụ ở trong; Mỗi khi ăn uống không thoả đáng hoặc cảm nhiễm ngoại tà thì chứng trạng Háo suyễn phát ra đột ngột, thở hút phát thành tiếng khò khè không dứt. Ngay khi đang có cơn, nên phân biệt chỗ khác nhau về nóng lạnh, để áp dụng phép giáng nghịch bình suyễn; Khi cơn đã êm dịu, nên lấy kiện Tỳ để củng cố cái gốc, dùng các bài thuốc Tam tử dưỡng thân thang (Hàn thị y thông) Nhị trần thang, Lục quân tử thang gia giảm.
- Trong bệnh Nguy xuất hiện Tỳ khí hư, chân tay mềm yếu vô lực, chứng trạng dần dần nặng thêm; Dương minh Tỳ thổ chủ về tứ chi cơ nhục, làm nhuận tôn cân, bó chặt gần xương và lợi các khớp; Tỳ thổ hư thì khí huyết thiếu, tôn cân không nhuận, gân xương lỏng lẻo, chân tay yếu liệt không điều khiển được, cho nên có thuyết nói: “Chứng Nuy cứ chọn Dương minh”. Mục Nuy chứng sách Y học chính truyền viết: “Tỳ tổn thương thì chân tay không vận động được mà thành chứng Nuy… Dương minh thực – đầy đủ – thì tôn cận nhuận, có thể bền chắc xương mà lợi các khớp. Phép chữa nuy, không ra ngoài việc chiếu cố Dương minh”, cho uống các phương Tứ quân tử thang, Sâm linh bạch truật tán (Hòa tế cục phương) gia giảm.
- Trong bệnh Hư lao nội thương phát nhiệt, xuất hiện chứng Tỳ khí hư, thì phải thấy cơ thể vốn có chứng Tỳ hư, xu thế nhiệt hoặc cao hoặc thấp, sau khi mệt nhọc bệnh càng nặng, dằng dai lâu ngày không khỏi. Lý Đông Viên viết sách Tỳ Vị luận có nói: “Ăn uống mệt nhọc bị tổn thương, bắt đầu là bệnh Nhiệt trung”, tức là Tỳ khí hư mà phát nhiệt, điều trị nên bổ trung ích khí, dùng thuốc ngọt ấm để trừ nhiệt, cho uống bài Bổ trung ích khí thang (Tỳ Vị luận) gia giảm.
- Bệnh Hư lao mà thấy chứng Tỳ khí hư, đại đa số là Hư lao thuộc chứng nhẹ, biểu hiện lâm sàng có đặc điểm như mục Tỳ hư Tạng Phủ kinh lạc giai vô sở thụ khí nhi cầu bệnh luận sách Tỳ Vị luận của Lý Đông Viên có nói: “Ăn vào thì mỏi mệt, tinh thần choáng váng mà muốn ngủ, đó là Tỳ suy nhược”; điều trị nên kiện Tỳ ích khí, cho uống bài Bổ trung ích khí thang gia Sa nhân (Phong lao cổ cách tứ đại chứng trị) hoặc Hương sa dưỡng vị hoàn (Từ Hy Thái hậu y phương tuyển nghị).
Tỳ Vị là gốc của Hậu thiên, ở trung tiêu để tưới khắp bốn bên, ăn uống vào Vị, Tỳ khí tán tinh, năm Tạng sáu Phủ đều được tư dưỡng. Mục Tạp chứng mô, Tỳ Vị, sách Cảnh Nhạc toàn thư có nói: “Trong năm Tạng đều có Tỳ khí, mà trong Tỳ Vị cũng đều có khí của năm Tạng… cho nên khéo chữa Tỳ, có thể điều hòa năm Tạng, tức là có thể chữa được Tỳ Vị; Có thể chữa Tỳ Vị khiến cho ăn được, Vị khỏe mạnh, tức là có thể làm yên được năm Tạng”. Tỳ Vị khí hư, trăm bệnh sinh ra từ đó, vả lại trong quá trình nhiều loại tật bệnh cũng có chứng Tỳ khí hư, hàng loạt biểu hiện tuy đều không giống nhau, nhưng đều có đặc điểm, đủ làm chỗ dựa cho chẩn đoán phân biệt.
Chứng Tỳ khí hư phần nhiều gặp ở trẻ sơ sinh và nhi đồng do tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên chăm sóc nuôi nấng không thỏa đáng, hoặc ở người cao tuổi thể lực yếu, hoặc mắc bệnh đã lâu, sau khi ốm nặng nguyên khí chưa hồi phục.
Chứng Tỳ khí hư ở trẻ sơ sinh và nhi đồng, phần nhiều biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, gầy còm mà bụng trướng to, sắc mặt xanh nhợt không tươi; Người cao tuổi thể lực yếu xuất hiện chứng Tỳ khí hư phần nhiều thân thể nặng nề, tứ chi vô lực, mỏi mệt thích nằm; Người ốm lâu hoặc sau khi ốm nặng vừa khỏi mà có chứng Tỳ khí hư, phần nhiều gầy còm, yếu sức, tiếng nói thấp nhỏ, sắc mặt úa vàng, động làm thì hụt hơi…
Tỳ với Vị đều ở Trung tiêu, mục Tỳ Vị chư môn sách Chư Bệnh nguyên hậu luận nói: “Tỳ là tạng, Vị là phủ; hai khí Tỳ Vị biểu lý với nhau. Vị nhận đồ ăn mà Tỳ làm ngấu nhừ, hai khí điều hòa thì đồ ăn biến hóa mà ăn được. Một khi Tỳ khí hư, hiếm có trường hợp Vị khí không hư, cho nên lâm sàng thường nói gồm cả “Tỳ Vị khí hư”, cả hai không thể tách rời hoàn toàn. Nhưng phân biệt cho cặn kẽ, cả hai lại có chỗ không giống hẳn nhau, nếu lấy Tỳ khí hư là chủ yếu, công năng ngấu nhừ không được mạnh, ăn ít và không ngon, bụng trướng đại tiện nhão. Nếu lấy Vị khí hư là chủ yếu thì công năng đón nhận đồ ăn không tốt, ợ hơi, lợm lòng nôn mửa. Tỳ Vị khí hư, lâm sàng điều trị nên bổ Tỳ khí, hỗ trợ thêm thuốc tiêu đạo, cho uống bài Tra khúc lục quân tử thang (Y biển).
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Tỳ dương hư với chứng Tỳ khí hư: Khí cũng thuộc Dương, khí hư thường là giai đoạn đầu của Dương hư, mà Dương hư thường lại là một bước phát triển của Khí hư.
Bệnh cơ đặc điểm của chứng Tỳ khí hư, chủ yếu là ở cơ năng kiện vận của Tỳ bị giảm sút. Mục Tỳ Vị chư luận sách Chư bệnh nguyên hậu luận viết: “Tỳ khí ma sát cho tiêu đi thì ăn được”, “ăn không tiêu là do Tỳ không ma sát”. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Tỳ khí hư là ăn uống sút kém, hoặc do “ăn không tiêu” dẫn đến bụng trướng đầy, ỉa chẩy, đồ ăn không tiêu; Tỳ khí hư thì nguồn sinh hóa khí huyết bất túc, cơ nhục ở tay chân thiếu khí huyết nuôi dưỡng, biểu hiện các chứng chân tay mình mẩy mỏi mệt yếu sức, sắc mặt vàng bủng, gầy còm, lưỡi nhợt, mạch Nhược.
Tỳ dương hư thì ngoài những chứng trạng như Tỳ khí hư nói ở trên, tất phải biểu hiện hàn chứng thuộc “dương hư thì hàn” mà sợ lạnh, tay chân lạnh, hoặc là vùng bụng đau ưa ấm ưa xoa bóp; hoặc là sôi bụng ỉa chảy ra đồ ăn không tiêu, tiểu tiện không lợi, mình mẩy chân tay phù thũng; hoặc là miệng mửa rãi trong; hoặc là mạch Trầm Trì Tế Nhược, đó là những đặc trưng của dương hư bất túc.
Điểm chủ yếu để phân biệt giữa hai chứng là có hay không có hiện tượng Hàn chứng: Dương hư thì hàn; Khí hư thì không biểu hiện hiện tượng hàn. Chứng Tỳ dương hư phần nhiều do Tỳ khí hư phát triển nên. Nếu bị bệnh đột ngột mà xuất hiện Tỳ dương bất túc, thì đa số do âm hàn nội thịnh hoặc hàn tà trực trúng Thái âm Tỳ thổ gây nên.
- Chứng Tỳ hư thấp khốn với chứng Tỳ khí hư: Thấp là âm tà, nguyên nhân dẫn đến thủy thấp thịnh ở trong, nhẹ thì do Tỳ khí bất túc, mất chức năng vận chuyển mạnh nên không hóa được thủy cốc; Nặng thì do Tỳ dương không mạnh mà thủy thấp ứ đọng. Loại trên, biểu hiện chủ yếu là đầu mình chân tay nặng nề khổ sở, rêu lưỡi trắng nhớt; Loại sau biểu hiện chủ yếu là chân tay lạnh sợ lạnh, hoặc là đàm ẩm, hoặc là thủy thũng v.v…
Nói chung, cái bảo là Tỳ hư thấp khốn là chỉ Tỳ khí hư mà bị Thấp tà nó làm cho khốn đốn, nguyên nhân phần nhiều do ăn quá nhiều đồ sống lạnh hoặc cơ thể nội thấp vốn thịnh lại ăn quá nhiều đồ sống lạnh, nằm ngồi nơi ẩm ướt đến nỗi thấp làm khốn đốn Tỳ thổ. Chứng Tỳ hư thấp khốn nếu trước tiên do Tỳ hư mà thủy thấp không hóa được gây nên, phần nhiều thuộc chứng Bản hư Tiêu thực hoặc Hư Thực lẫn lộn, nếu bệnh trình dằng dai lâu ngày, tương đối khó chữa. Nếu vì ăn quá nhiều đồ sống lạnh hoặc nằm ngồi nơi ẩm ướt, tà khí thủy thấp từ ngoài mà vào, thì đa số là Thực chứng, bệnh trình cũng ngắn, chữa khỏi dễ dàng. Chứng Tỳ hư thấp khốn với chứng Tỳ khí hư, yếu điểm để phân biệt ở chỗ: loại trên là loại thấp tà hữu hình, là Thực chứng; Loại sau là Khí hư vô hình, là Hư chứng.
- Chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tỳ khí hư: Chứng Tấm Tỳ đều hư là chỉ Tỳ khí vừa hư lại có thêm biểu hiện lâm sàng Tâm huyết bất túc, vì Tỳ khí hư, nguồn sinh hóa ở Trung tiêu bất túc, tinh vi của thủy cốc không hóa sinh ra huyết, cho nên huyết thiếu mà Tâm mất sự nuôi dưỡng hình thành Tâm huyết bất túc, xuất hiện các chứng trạng tâm quý hồi hộp, hay quên, mất ngủ, hay mê; Thường vì tư lự quá độ lao thương Tâm Tỳ đến nỗi Tỳ khí bất túc, Tỳ không vận chuyển mạnh, khí thiếu huyết hư, Tâm thần không được nuôi dưỡng. Mục Kiện vong luận trị sách Tế sinh phương nói: “Tỳ chủ ý và “tư”, Tâm cũng chủ “tư”, tư lự quá độ, nơi chứa ý không tập trung khiến người ta chóng quên”.
Chứng Tâm Tỳ đều hư, phân tích theo bệnh nhân và bệnh cơ, Tỳ Khí hư đứng trước tiên mà Tâm huyết hư ở phía sau, cho nên bổ Tỳ tức là có thể dưỡng Tâm. Hoặc là ưu tư khí kết, hoặc ăn uống không điều độ, hoặc ốm lâu thiếu chăm sóc, tạo nên Tỳ khí hư không hóa sinh Tâm huyết; hoặc Tỳ khí hư mà không nhiếp được huyết liền phát sinh hàng loạt chứng trạng xuất huyết, tạo nên huyết thiếu mà Tâm mất sự nuôi dưỡng, đều là những nguyên nhân hình thành Tâm huyết bất túc. Từ biểu hiện chứng trạng lâm sàng mà xét, chứng Tâm Tỳ đều hư ngoài Tỳ khí bất túc ra, nên có các chứng trạng chóng quên, hồi hộp vì Tâm huyết bất túc; Về điều trị cũng nên lấy bổ Tỳ làm chủ yếu hỗ trợ thuốc dưỡng Tâm an thần. Chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tỳ khí hư tuy đều có biểu hiện là Tỳ khí bất túc, nhưng loại trên phải có các chứng trạng huyết không nuôi Tâm nên phải hồi hộp chóng quên, khác với chứng đơn thuần Tỳ khí hư, có thể phân biệt được.
IV. Trích dẫn y văn:
- Tỳ Vị thuộc Thổ, vị trí ở giữa cơ thể, trong năm Tạng gọi là Cô tạng, trong Tam tiêu gọi là Trung tiêu. Trung tiêu chuyên điều trị ở giữa… Tỳ bất túc, lấy vị ngọt để bổ; bổ trung giúp Tỳ, tất phải dùng thang thuốc có vị ngọt (Lao quyện sở thương hư trung hữu hàn – Vệ sinh bảo giám).
- khí tổn thương, mạch Phù Đại mà vô lực… Lại có mạch Đại, no đầy, có vẻ giống như thực trệ. Đó là Tỳ khí hư mà xuất hiện giả tượng (Tỳ Vị – Y thuật).
- Tỳ hư, mạch hữu quan tất phải Tế Nhuyễn, có những chứng trạng nôn mửa, tiết tả, cửu lỵ, phúc thống, là chân tay mềm yếu, là mặt vàng, phát phù thũng, da thịt gầy, là cổ trướng, là ổ hàn, tự ra mồ hôi, là tích trệ không tiêu, là ăn uống không tiêu hóa, là thoát giang, là chẩy máu ruột (Tỳ bộ – Bút hoa y kính
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Vương Dục Học
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y