I. Khái niệm:
Chứng Hàn trệ Can mạch là chỉ hàn tà xâm phạm vào Can kinh, gây nên sơ tiết thất thường, khí huyết ngưng trệ, biểu hiện các chứng hậu chủ yếu như hàn ngưng khí trệ gây đau ở bụng dưới.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là bụng dưới trướng đau, lan toả tới Cao hoàn trệ và đau, thậm chí âm nang teo quắt, gặp nhiệt thì giảm đau, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, tiểu tiện trong dài, phụ nữ thì đới hạ trong lạnh, thống kinh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Huyền hoặc Trầm Khẩn mà Trĩ.
Chứng Hàn trệ Can mạch thường gặp trong các bệnh Sán khí, Phúc thống, Thống kinh.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Hàn tà phạm Vị, chứng Can dương hư.
II. Phân tích:
Chứng Hàn trệ Can mạch vì cảm nhiễm hàn tà có nặng nhẹ khác nhau, phú bẩm có khoẻ yếu không giống nhau, bộ vị bệnh biến trên dưới cũng không giống nhau, cho nên trong tật bệnh khác nhau, biểu hiện lâm sàng cũng có đặc điểm riêng, phép trị cũng không giống hẳn nhau, cần phân tích kỹ.
- Trong bệnh Sán khí xuất hiện chứng Hàn trệ Can mạch, nếu là chứng nhẹ thì chỉ thấy bụng dưới đau lan toả tới Cao hoàn trệ và trướng tình thế bệnh đau vừa phải, bộ vị mắc bệnh chủ yếu ở bụng dưới, kèm theo các chứng cơ thể lạnh, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Huyền v.v… Vì hàn tà khá nhẹ, khí cơ nghẽn trở không nặng lắm, điều trị nên ấm Can tán hàn, Ôn thông cùng dùng, chọn bài thuốc Noãn can tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư). Nếu là chứng nặng thì bụng dưới có từng cơn đau quanh rốn, thậm chí đau như thắt, khi đau co rút tới Cao hoàn, kèm theo các chứng ố hàn, ra mồ hôi, chân tay quyết lạnh, mạch Huyền Khẩn; Vì âm hàn kết ở trong, Dương khí suy vi, điều trị nên tán hàn giảm đau, cho uống bài Đại ô đầu tiễn (Kim Quỹ yếu lược).
- Trong bệnh Phúc thống xuất hiện chứng Hàn trệ Can mạch cũng lấy chứng trạng đau bụng dưới làm chủ yếu, nhưng xu thế đau có thể lan toả toàn vùng bụng và hai bên sườn, hơn nữa còn có cảm giác co rút khác với co rút của chứng Sán khí Cao hoàn đau, điều trị nên sơ Can lý khí, Ôn tán kết hợp, cho uống bài Thiên thai ô dược tán (Y học phát minh).
Chứng Hàn trệ Can mạch xuất hiện trong bệnh Thống kinh, biểu hiện lâm sàng là đau bụng dưới, phần nhiều xảy ra trước khi hành kinh, sắc kinh đen và trong loãng, chân tay mát lạnh, gặp ấm thì đỡ đau, đái hạ đầm đìa, lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Tế, điều trị nên ôn kinh lý khí, tán hàn chỉ thống, cho uống Ôn kinh thang (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.
Chứng Hàn trệ Can mạch tuy có thể gặp trong các tật bệnh khác nhau, nhưng hàn tà ngưng trệ ở Lạc mạch của Can, vì có bệnh cơ cộng đồng, cho nên chứng này hay phát sinh ở người dương khí bất túc, âm hàn thịnh ở trong, vì dương hư sinh nội hàn, hàn ngưng thì đau. Trong quá trình diễn biến bệnh cơ, thường kèm theo hai tình huống, một là vì hàn tà phạm ở bên ngoài, khí cơ của Can kinh bị trở trệ, biểu hiện chủ yếu là Tà Thực; Hai là vì thể chất vốn dương hư âm hàn thịnh ở trong, hàn ngưng Can mạch, biểu hiện chủ yếu là Hư Hàn. Nhưng cần nêu rõ, trong quá trình diễn biến phát triển của tất bệnh, Hàn ngưng cũng có thể hoá nhiệt, Hàn ngưng mạch tế nghẽn cũng có thể thành huyết ứ. Những kiêm chứng này không thể không phân biệt.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Hàn tà phạm Vị với chứng Hàn trệ Can mạch: Hàn là âm tà, chủ về co rút ngưng đọng thu liễm, cho nên hàn ngưng khí trệ phải gây nên đau, đau là chứng trạng cộng đồng của hai chứng. Nhưng chứng Hàn tà phạm Vị là thuộc về Vị bị hàn tà, hoà giáng mất chức năng, khí trọc âm kèm với đờm rãi nghịch lên gây nên, lâm sàng có thể thấy các chứng đau vùng bụng, mửa khan, thổ ra bọt rãi v.v… Mà Hàn trệ Can mạch thì do mạch của Quyết âm “men theo bụng dưới, qua âm khí, phân bố ở hai bên sườn”, vị trí đau thường ở bụng dưới, nặng hơn thì đau rút tới Cao hoàn hoặc co rút sang hai bên sườn; Có thể thấy bộ vị đau của hai chứng khác nhau.
- Chứng Can dương hư với chứng Hàn trệ Can mạch: Sách Thánh huệ phương có câu “Can hư thì sinh hàn”, chứng Can dương hư là do dẫn đến Hàn, thuộc về Hư hàn. Chứng Hàn trệ Can mạch là do Hàn gây bệnh, nghiêng về Thực hàn. Một hư một thực, tính chất khác nhau. Cả hai đều có thể thấy bụng dưới hoặc vùng bụng đau và có hiện tượng “Hàn” ở mức độ khác nhau, nhưng đau của chứng Can dương hư là cái đau êm dịu, ưa ấm ưa xoa bóp và có thêm tinh thần ủ dột không vui, đau đầu hoa mắt, ngực sườn đầy đau, biếng nói, hay thở dài, mỏi mệt đoản hơi, chân tay lạnh, đại tiện nhão, lưỡi nhợt, mạch Hư Huyền thuộc chứng Dương hư. Còn chứng Hàn trệ Can mạch thì đau thường giới hạn ở bụng dưới và có từng cơn đau, xu thế đau từ nhẹ đến nặng và có đặc điểm là xông xáo căng gấp. Loại trên chú trọng vào ôn dưỡng Can dương; loại sau chú trọng vào Ôn tán Can hàn.
IV. Y văn trích dẫn:
- Hàn khí ẩn náu ở mạch của Quyết âm; Mạch Quyết âm, liên lạc qua bộ phận sinh dục, thuộc vào Can. Hàn khí ẩn náu ở trong mạch thì máu đi ngập ngừng mà mạch căng gấp, cho nên đau rút cả sườn và bụng dưới (Cử thống luận – Tổ Vấn).
- Chứng Can hàn, mạch ở tả quan phải Trầm Trì, có triệu chứng đau ở bụng dưới, là Sán hà, là Nang xúc, là hàn nhiệt vãng lai (Bút hoa y kính).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Trình Thiệu Hoàn
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y