Chứng Can Huyết Ứ Trệ – Y Gia Quán

I. Khái niệm:

Chứng Can huyết ứ trệ là chỉ Can khí mất sự sơ tiết, khí uất lâu ngày dẫn đến chứng hậu huyết phận bị ứ trệ.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sắc mặt xanh xạm không tươi, dưới sườn có hòn khối và đau, kèm theo các chứng trướng bụng, mỏi mệt, kém ăn, chất lưỡi đỏ tối, ven lưỡi có nốt ứ huyết, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền.

Chứng Can huyết ứ trệ thường gặp trong các bệnh Hiếp thống, Hoàng đản, Tích tụ, Can trước, Cổ trướng.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Vị quản ứ huyết, chứng Dương minh ứ huyết.

II. Phân tích:

Chứng Can huyết ứ gặp trong nhiều loại bệnh tật, có biểu hiện lâm sàng khác nhau, phải phân tích cho rõ ràng.

  • Trong bệnh Hiếp thống xuất hiện chứng Can huyết ứ trệ, phần nhiều có các chứng trạng ngực sườn đau nhói cố định không di chuyển, về đêm đau nặng hơn, dưới sườn đôi khi có hòn khối, chất lưỡi tía tối, mạch Huyền Sáp; nguyên nhân bệnh do Can uất lâu ngày, khí trệ huyết ứ, ứ huyết tích đọng gây nên, điều trị nên lý khí hoạt huyết hoá ứ, cho uống bài Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm.

  • Nếu bệnh Hoàng đản xuất hiện chứng Can uất khí trệ, thường có các chứng trạng Hoàng đản hiện ra sắc đen xạm mầu vẻ tối trệ, mắt xanh mặt đen, bụng dưới đầy, trên trán có mầu xạm, đại tiện phân đen có lúc nhão, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Trầm Huyền mà Sác v.v… Nếu thuộc loại Nữ lao đản là do Can uất huyết ứ, Tỳ hư không vận chuyển và thấp nhiệt nung nấu ở trong gây nên. Dụ Gia Ngôn nói: “Vì Nữ lao mà thành Đản, huyết ứ không lưu thông” (Y môn pháp luật); điều trị nên tiêu ứ hoá thấp thanh nhiệt, cho uống bài Tiêu thạch phàn thạch tán (Kim Quỹ yếu lược) gia Hổ trượng, Đan sâm, Thiến thảo.

  • Trong bệnh Can trứ xuất hiện chứng Can huyết ứ trệ, phần nhiều ngực sườn trướng đầy đau nhói, nơi đau không di chuyển, nuốt nước chua mà nôn, miệng khát muốn uống nước nóng, gặp nhiệt thì dễ chịu, chất lưỡi tía tối, mạch Tế Sắc… Vưu Tại Kính nói: “Nhưng Can tuy “trứ” mà lại giót vào Phế, đó là rẽ ngang mà thành bệnh” (Kim Quĩ yếu lược tâm điền), thuộc loại Can uất mà ứ, liên lụy đến Phế gây nên; điều trị nên hành khí tán trệ hoạt huyết, cho uống Toàn phúc hoa thang (Kim Quỹ yếu lược) tử nhân, Ty qua lạc.

  • Trong bệnh Tích tụ xuất hiện chứng Can huyết ứ trệ, phần nhiều có chứng trạng dưới sườn có hòn cục, mềm mà không rắn, hòn cục cố định không di chuyển, vừa trướng vừa đau, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền v.v… nguyên nhân bệnh do Can uất khí trệ, tiếp theo là huyết ứ lâu ngày không tan, kết tụ thành hòn cục gây nên bệnh; điều trị theo pháp lý khí hoạt huyết tiêu tích, cho uống bài Kim linh tử tán (Tổ Vấn bệnh cơ bảo mệnh tập) hợp với bài Thất tiếu tán (Cục phương) gia Thanh bì, Trần bì, Tam lăng, Nga truật v.v…

  • Chứng Can huyết ứ trệ xuất hiện trong bệnh Cổ trướng, phần nhiều có các chứng trạng sắc mặt đen xạm, bụng to và rắn đầy, bụng nổi gân xanh, chân tay gầy còm, nặng hơn thì suyễn thở không nằm được, đại tiểu tiện không dễ dàng, chất lưỡi tía tối, mạch Trần Huyền v.v… nguyên nhân bệnh do khí trệ huyết ứ, sau đó là nước ứ đọng, nước và ứ cấu kết mà thành bệnh, điều trị nên trừ thấp tiêu đầy, hoạt huyết trục thủy; nếu là dương hư thì kèm theo thuốc ôn dương, có thể chọn dùng bài Quế chi khứ Thược dược gia Ma Tân Phụ tử thang (Kim Quỹ yếu lược) hợp với Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm. Nếu là âm hư thì kèm theo thuốc dưỡng âm, chọn dùng Đào hồng tứ vật thang (Cục phương) hợp với bài Sơ tạc ẩm tử (Tế sinh phương) gia giảm.

III.Chẩn đoán phân biệt.

  • Chứng Vị quản ứ huyết với chứng Can huyết ứ trệ: Can là Quyết âm, là tạng chứa huyết. Vị thuộc Dương minh là Phủ nhiều khí và nhiều huyết, cả hai phát bệnh đều dễ dàng từ khí phận mà vào huyết phận, nhất là biểu hiện chứng ứ huyết. Chứng Vị quản ứ huyết lâm sàng phần nhiều có đặc điểm Vị quản đau cố định, đau như dùi đâm hoặc như dao cắt, hoặc thấy thổ ra huyết đen tía, đại tiện phân đen như mực, chất lưỡi tía tối, mạch Tế Sắc. Chứng Can huyết ứ trệ lâm sàng có chứng trạng chủ yếu như đau sườn có hòn khối. Vị trí phát bệnh, triệu chứng bệnh đều khác nhau. Nếu Can bệnh phạm Vị cũng có thể cùng xuất hiện chứng huyết ứ.

  • Chứng Dương minh ứ huyết với chứng Can huyết ứ trệ: Cả hai chứng đều có biểu hiện Hoàng đản và ứ huyết.

Nói theo nguyên nhân và cơ chế bệnh, chứng Dương minh ứ huyết mà gặp ở bệnh Hoàng đản, nguyên nhân chính là do Ôn nhiệt, vì nhiệt mà ứ, phần nhiều gặp trong ngoại cảm nhiệt bệnh. Chứng Can huyết ứ trệ tuy cũng có Hoàng đản, nhưng nguyên nhân chính là do Ứ, từ ứ mà sinh nhiệt lại kiêm Thấp hun đốt mà phát Hoàng, phần nhiều gặp trong Nữ lao đản hoặc Can bệnh thời kỳ cuối.

Bàn theo biểu hiện lâm sàng, Dương minh ứ huyết mà thấy Hoàng đản là do thấp nhiệt uất át nung nấu mà ứ trệ ở Lý, bệnh do Khí phận và cả ở Huyết phận, nghiêng về Thực chứng, có đặc điểm là mầu vàng tươi sáng như quít chín, tiểu tiện không lợi, bụng hơi đầy, phát sốt. Chứng Can huyết ứ trệ mà thấy Hoàng đản là do ú mà đến nỗi thấp nhiệt nung nấu uất át lại kiêm cả chứng hậu Can Thận hư, cho nên có đặc điểm là trên trán đen xạm, hoàng đản có mầu tối xẫm, đại tiện phân đen có lúc nhão. Cả hai tuy đều có chứng trạng Hoàng đản nhưng căn cứ vào các phương diện mầu vàng tối hay sáng, nhị tiện có thông lợi hay không, bệnh trình mới cũ dài ngày hay ngắn ngày… để chẩn đoán phân biệt.

IV. Trích dẫn y văn:

  • Sườn đau như bị đâm, nơi đau cố định, ấn vào đau tăng, mạch Huyền Sắc hoặc Trầm Sắc phần nhiều do… ứ tích ở dưới sườn, da dẻ ở nơi đau có vệt xanh tía, nên lấy trục ứ làm chính, uống Phục nguyên hoạt huyết thang, trong phương có Sài hồ là thuốc dẫn kinh chứ không phải là mục đích sơ Can, hoặc có thể dùng gia vị Tam thất tán (Hiếp thống – Trung y lâm chứng bị yếu).

  • Can lạc bị ngưng ứ thì Hiếp thống, đề phòng nổi giận và mất huyết (Hiếp thống -Lâm chứng chỉ nam y án).

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Trình Thiệu Hoàn

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo