Chứng Vong Âm – Y Gia Quán

I. Khái niệm:
Chứng Vong âm là tên gọi chung trường hợp âm dịch trong cơ thể đột ngột bị hao tổn quá lớn, biểu hiện hàng loạt triệu chứng âm dịch muốn kiệt, nguyên nhân phần nhiều do sốt cao, ra mồ hôi nhiều, thổ tả dữ dội, xuất huyết quá nhiều hoặc những nhân tố khác dẫn đến âm dịch hao tổn khá lớn gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của chứng Vong âm là bắp thịt teo quắt, da dẻ nhăn nheo, môi ráo răng khô, quầng mắt chũng sâu, tinh thần vật vã, hoặc hôn mê nói sảng, ra mồ hôi mình nóng, khát nước muốn uống lạnh, đoản hơi, sắc mặt đỏ bừng, chất lưỡi đỏ khô, mạch Hư Sác hoặc Tế Sác vô lực.

Các loại tật bệnh ở giai đoạn hiểm nguy thường xuất hiện chứng này; các trường hợp thổ tả đột ngột, thời kỳ cuối của Ôn bệnh âm dịch bị hun đốt nghiêm trọng dễ thấy chứng này.

Trên lâm sàng, cần chẩn đoán phân biệt với chứng Âm hư và chứng Vong huyết.

II. Phân tích:
Nhiều loại tật bệnh, suy tổn mạn tính hoặc hãn, thổ, hạ quá mức, xuất huyết quá nhiều, đều có thể tạo nên âm dịch tiêu hao nghiêm trọng thậm chí xuất hiện chứng vong âm, những người thể chất âm hư hoặc trong quá trình bệnh Ôn nhiệt càng gặp nhiều chứng này. Chứng Vong âm là chứng hậu mười phần nghiêm trọng, nguy hiểm tính theo ngày, đêm, vô luận loại bệnh tật nào, lâm sàng biểu hiện ở giai đoạn vong âm, yếu điểm biện chứng và phương pháp điều trị về cơ bản đều giống nhau. Một khi xuất hiện vong âm phải tiến hành cấp cứu khẩn trương; điều trị nên dùng phép tư âm tăng dịch và dưỡng âm làm bền khí, cho uống Sinh mạch tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia vị.

Vì âm dương hỗ căn, âm kiệt thì dương không chỗ dựa mà tản mác, cho nên chứng Vong âm thường xuất hiện chứng Vong dương rất nhanh. Chứng trạng chủ yếu của chứng Vong dương là ra mồ hôi đầm đìa, ra mồ hôi như giọt châu, sợ lạnh, tay chân lạnh, tinh thần hoảng hốt, sắc mặt trắng xanh, thở nhẹ yếu. Trong tình trạng cấp cứu, cho uống ngay Sâm phụ thang (Phụ nhân lương phương) để cấp cứu hồi dương.

III. Chẩn đoán phân biệt:
– Chứng Âm hư với chứng Vong âm: Âm hư thường là cơ sở của chứng Vong âm. Hai chứng này đều biểu hiện âm hư sinh nội nhiệt. Chứng Âm hư là do phú bẩm bất túc hoặc tư lự quá độ, bị hao thương âm dịch, hoặc bệnh mạn tính xuất huyết, ốm lâu hại âm, hoặc bệnh Ôn nhiệt hao thương âm dịch gây nên; Biểu hiện chủ yếu là thể trạng gày còm, miệng ráo họng khô, chóng mặt mất ngủ, ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt mồ hôi trộm, về chiều gò má đỏ, tiểu tiện sắc vàng, đại tiện khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác, bệnh trình khá dài, xu thế bệnh từ từ. Chứng Vong âm thì do sốt cao, hoặc dùng thuốc hãn, thổ, hạ quá độ, hoặc xuất huyết quá nhiều là những nguyên nhân dẫn đến trạng thái âm dịch bị hao kiệt nghiêm trọng trong thời gian rất ngắn, nói chung phát bệnh nguy kịch, cho nên lâm sàng ngoài chứng trạng âm hư biểu hiện nghiêm trọng, còn biểu hiện bệnh tình nguy hiểm như tinh thần vật vã hoặc hỗn mê nói sảng, khát nước ưa uống lạnh, đoản hợi, mạch Hư Sác hoặc Tế Sác vô lực. 

– Chứng Vong huyết với chứng Vong âm : Chứng vong huyết là do mất huyết quá nhiều hoặc từng bị xuất huyết mạn tính gây nên, biểu hiện hàng loạt chứng trạng huyết hư nghiêm trọng như sắc mặt trắng nhợt; hoa mắt chóng mặt, chân tay tê dại yếu sức, môi lưỡi sắc nhợt, mạch Khâu hoặc Vi mà Sắc, không có các chứng trạng vong âm có hiện tượng hư nhiệt như tinh thần phiền táo, ra mồ hôi mình nóng, khát nước thích uống lạnh, lưỡi đỏ mà khô v.v. Chứng Vong âm phần nhiều do sốt cao ra nhiều mồ hôi, sau khi thổ, tả đột ngột; nhưng huyết là âm dịch, chứng Vong huyết cũng có thể phát triển thành chứng Vong âm. Hai bệnh này quan hệ chặt chẽ, cho nên về điều trị hai bệnh này có chỗ không giống nhau, mà trong chẩn đoán phân biệt, nên lưu ý đến mối liên hệ lẫn nhau của chúng.

IV. Trích dẫn y văn:
– Âm dương hư thoát có chia ra nội nhân và ngoại nhân, có thiên thắng, thiên tuyệt khác nhau. Nếu tà trúng vào phần âm, chân tay quyết lạnh, mạch Vi muốn tuyệt, đó là âm thịnh mà khí sinh dương muốn tuyệt ở bên trong. Nếu muốn uống lạnh, muốn nằm nơi mát, vứt bỏ hết áo chăn, vật vã không yên, đó là âm thịnh ở trong mà dương khí muốn thoát ra ngoài, phải dùng ngay Sâm, Phụ, Khương, Quế để cứu. Nếu phát hãn mà không giải, mình lại nóng dữ, đó là dương thịnh mà âm tuyệt ở bên trong. Nếu bệnh ở Dương minh, phát nhiệt nhiều mồ hôi, phải dùng thuốc hạ ngay, cho uống Đại thừa khí thang, đó là dương thịnh ở trong mà âm dịch thoát ra ngoài… Đó là sự thiên thắng mà thiên tuyệt của âm dương thuộc về ngoại nhân.

Nếu như âm dương thuộc về nội nhân, dương sinh ở âm, âm sinh ở dương. Dương sinh ở âm, tức là dương khí sinh từ âm tỉnh, âm sinh ở dương, tức là âm tinh sinh ra bởi dương hoá thành. Dương hoá là dương khí biến hoá tinh vi của thuỷ cốc mà sinh ra cái tinh ấy. Âm Dương hoà hợp, giao kết để mà sinh hoá. đó là người bình thường vô bệnh. Nếu là dương trơ trọi thì không sinh được, một mình âm thì không trưởng thành được … đó là cái sinh cơ của âm dương muốn tuyệt từ bên trong. Nạn kinh nói: Thoát dương thì như thấy quỷ; Thoát âm thì mắt mù. Bởi vì dương thoát, từ dưới mà thoát lên trên, Âm thoát từ trên mà thoát xuống dưới. Cho nên thoát âm thì mắt mù, còn chút hy vọng mỏng manh; Thoát dương mà như thấy quỉ, thì chết chứ không tính thêm ngày giờ nữa. Nghĩ như bị dương thoát, phần nhiều gốc từ âm hư. Như người cao tuổi, chân gối lạnh, đó là khí nguyên dương suy dần mà muốn dứt từ bên dưới, nên dùng các loại thuốc Sâm, Phụ, Bán, Lưu để giúp sinh Dương. Nếu lại do Tỳ Vị hư mà tinh hoa thuỷ cốc không sinh, hoặc nhập phòng quá đáng mà Thận tinh ngày càng hao tổn, hoặc lo sợ mà sự chứa tinh tiêu mòn dần, hoặc phiền lao mà tinh thần ngày càng hao, cho đến âm khí ngày càng suy mà dương sắp thoát ra ngoài. Cho nên chữa từ khi chưa mắc bệnh, thấy âm tinh có suy giảm đó là dương thoát tiến dần dần, nên dự kiến bồi dưỡng phần Âm; Nếu đợi khi dương khí thoát ra ngoài, bấy giờ mới dùng Quế, Phụ để mong dẫn lửa về nguồn, không biết rằng Âm tinh là cái nguồn sống của dương khí, cái nguồn đã tuyệt thì còn trở về sao được? Cho nên dương thoát mà dùng Quế Phụ để cứu, đó là cứu cái thoát của ngoại nhân. Còn chữa nội nhân mà dùng Quế, Phụ là cái giúp cái suy của Dương khí ở phía dưới. Nếu Âm hư mà dương thoát, chẳng phải Quế, Phụ có thể cứu được. Cho nên nói rằng Âm Dương hư thoát có chia ra nội nhân và ngoại nhân, có khác nhau về thiên thắng và thiên tuyệt (Dương thoát Âm thoát biện – Lữ sơn đường loại biện).

 

Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lý Thiệu Lương

🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y

🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo