I. Khái niệm:
Chứng Âm Dương đều hư là tên gọi chung toàn thân âm dương đều hư xuất hiện hàng loạt chứng trạng hư yếu, nguyên nhân phần nhiều do ốm lâu không hồi phục, âm dương đều hao tổn, hoặc bệnh Dương tổn hại liên luỵ đến Âm hoặc bệnh Âm tổn hại liên luỵ đến Dương gây nên. Chứng Âm Dương đều hư nói ở đây là nói âm dương đều hư ở chỉnh thể cơ thể; còn âm hư dương hư cùng xuất hiện, hoặc khí âm đều hư, khí huyết đều hư ở mỗi Tạng Phủ ở đây không nói đến.
Biểu hiện chủ yếu của chứng Âm dương đều hư là thể trạng gày còm, tinh thần bạc nhược, hụt hơi biếng nói, mệt mỏi yếu sức, cơ thể lạnh sợ lạnh, hễ động làm thì phát sốt vã mồ hôi, hồi hộp hoa mắt, váng đầu ù tai, lưỡi nhạt mà ít tân dịch hoặc có vết răng hoặc tróc mảng, mạch Vi Tế mà Sác, uống thuốc ôn nhiệt vào thì chứng trạng âm hư nổi lên rõ rệt, uống thuốc đắng lạnh vào thì chứng trạng dương hư càng nặng thêm, chứng trạng phức tạp, dễ biến hoá, hơn nữa thường thấy chứng trạng âm hư, dương hư của Tạng Phủ.
Chứng này xuất hiện ở giai đoạn cuối của nhiều loại tật bệnh đồng thời lấy bệnh biến của Tạng Phủ làm cơ sở, cho nên chứng Âm Dương đều hư thường biểu hiện âm hư dương hư ở một Tạng Phủ nào đó. Chứng "m hư dương hư của Tạng Phủ gặp ở loại tật bệnh nào, tham khảo ở chứng hậu các Tạng Phủ có liên quan.
II. Phân tích:
Chứng Âm Dương đều hư thường gặp ở người ốm lâu hư yếu. Người bệnh mắc chứng này âm dương ở Tạng Phủ đều hư; Khí hậu nóng lạnh đều không thích hợp, mùa Đông không chịu được rét, mùa Hạ không chịu được nóng, hơn nữa bệnh tình nặng thêm mỗi khi thay đổi thời tiết Xuân và Thu; Vì thể lực yếu, sức chống bệnh kém, càng dễ bị nhiều loại bệnh khác. Chứng Âm dương đều hư ở trẻ em thì làm cho phát dục chậm, ở người cao tuổi thì càng suy yếu mau già; Nếu lại gặp bệnh nào khác thì triền miên khó khỏi, hơn nữa bệnh tình nguy hiểm nặng nề, biện chứng luận trị cần thận trọng đặc biệt.
Chứng Âm Dương đều hư đa số phát sinh ở người ốm lâu, thường từ âm hư liên luỵ đến dương hoặc từ dương hư liên luy đến âm gây nên – Âm Dương đều hư phát triển thêm bước nữa thì Âm Dương đều kiệt, chứng trạng biểu hiện vừa có thuỷ thũng, thiểu khí suyễn nghịch, thanh âm thấp khẽ, mặt ngơ ngác, vừa có các chứng trạng nguy hiểm như triều nhiệt, trên lưỡi thoát dịch, khoang miệng mọc nấm, ách nghịch, mồ hôi ra như giọt dầu, chân tay quyết lạnh, mạch Vi Sác muốn tuyệt v.v.
III Chẩn đoán phân biệt:
– Chứng Khí huyết đều hư với chứng Âm Dương đều hư: Chứng khí huyết đều hư thuộc phạm vi chứng Âm Dương đều hư. Chứng Khí huyết đều hư là do ốm lâu không khỏi, hoặc trước hết thấy chứng trạng Khí hư, vì không hoá huyết mà tiếp theo xuất hiện chứng huyết thiếu. Hoặc trước hết bị mất huyết, khí theo huyết suy hao gây nên. Biểu hiện lâm sàng, vừa có các chứng trạng khí hư như sắc mặt không tươi, mệt mỏi yếu sức, thiểu hơi biếng nói, vừa có các chứng trạng huyết hư như hồi hộp mất ngủ, chóng mặt hoa mắt, chân tay tê dại v.v.
Chứng Âm Dương đều hư cũng xuất hiện khi bệnh ốm lâu không khỏi; Hư yếu lâu ngày không khỏi thì âm hao tổn kéo dài, Dương sẽ theo Âm mà rút đi, Dương hư kéo dài, âm cũng theo dương mà suy…đều có thể dẫn đến chứng Âm dương đều hư – Chứng Âm dương đều hư ngoài những biểu hiện đầy đủ chứng trạng của chứng Khí huyết đều hư, còn biểu hiện hai tình huống như dương hư sinh hàn, âm hư sinh nhiệt, như các chứng trạng sợ lạnh tay chân lạnh, triều nhiệt mồ hôi trộm v.v.
– Chứng Khí âm đều hư với chứng Âm Dương đều hư: Chứng Khí âm đều hư là do khí hư hoá sinh bất túc, hoặc thời kỳ cuối của Ôn bệnh khí âm bị hao thương gây nên, biểu hiện lâm sàng vừa có các chứng trạng của chứng Khí hư như mệt mỏi yếu sức, thiểu hơi biếng nói, vừa có chứng trạng của âm hư như gầy còm, miệng khô họng ráo, triều nhiệt mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, về chiều gò má đỏ v.v. Điểm chẩn đoán phân biệt chủ yếu của chứng Khí âm đều hư với chứng Âm Dương đều hư là loại trên không có hiện tượng Dương hư sinh hàn rõ rệt, còn loại dưới thì có biểu hiện hư hàn và hư nhiệt.
IV. Trích dẫn y văn:
– Chứng hậu hư lao khách nhiệt: Người bị hư lao, huyết khí suy nhược, âm dương đều hư; Lao nhẹ thì sinh nhiệt, nhiệt nhân lao mà sinh ra, cho nên mới gọi là khách nhiệt ( Hư lao bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).
– Chứng hậu hư lao phiền muộn: Đây là do âm dương đều hư, âm khí hao hụt chút ít, dương khí mạnh lên đột ngột, thì nhiệt lấn lên Tâm, cho nên phiền muộn (Hư lao bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).
– Chứng hậu hư lao âm lãnh: Âm Dương đều hư yếu cho nên như vậy. Thận chủ tinh tuỷ, khai khiếu ở phần âm. Bây giờ âm hư dương yếu, huyết khí không tươi tốt cho nhau; cho nên gây chứng Âm lãnh . Lau ngày không khỏi sẽ thành âm nuy suy nhược ( Hư lao bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Lý Thiệu Lương
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y