I. Khái niệm:
Vị khí lấy giáng làm thuận. Vị mất sự hòa giáng, trái lại nghịch lên, gọi là chứng Vị khí thượng nghịch. Diệp Thiên Sỹ nói: “Tỳ nên thăng thì khỏe, Vị nên giáng thì hòa”. Chu Quãng nói: “Khí của Túc Dương minh đi xuống dưới, giờ bị Quyết mà đi lên, cho nên Khí nghịch”. Chứng này phần nhiều do ngoại cảm lục dâm, nội thương thất tình, ăn uống không điều độ, Tỳ Vị hư yếu dẫn đến sự thông giáng của Vị khí thất thường gây nên bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là không thiết ăn uống, vùng bụng trướng đau, lợm lòng nôn mửa, ợ hơi, nấc nghẹn, mạch Huyền Hoạt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trắng nhớt.
Chứng Vị khí thượng nghịch thường gặp trong các bệnh Ách nghịch, Ái khí, Ấu thổ, Phiên vị.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Vị mất sự hòa giáng, chứng Can khí hoành nghịch, chứng Xung khí thượng nghịch.
II. Phân tích:
Chứng Vị khí thượng nghịch có thể gặp trong nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng đều có đặc điểm riêng.
- Bệnh Ẩu thổ biểu hiện chứng Vị khí thượng nghịch, lâm sàng chia hai loại Hư và Thực. Thực chứng phần nhiều do tà khí quấy rối Vị. Hư chứng đa số do Vị Hư không hòa. Môn Ẩu thổ sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Thực chứng do tà khí phạm Vị, trọc khí nghịch lên gây nên… Hư chứng do Vị dương không mạnh hoặc Vị âm bất túc, mất sự hòa giáng mà thành…”.
Ẩu thổ thực chứng nếu là ngoại tà phạm Vị, thường có kiêm biểu chứng, điều trị nên sơ tà giải biểu, phương hương hóa trọc, cho uống Hoắc hương chính khí tán (Hòa tế cục phương) gia giảm. Nếu ăn uống đình trệ thì Vị quản trướng đầy, ợ hãng nuốt chua, điều trị nên tiêu thực hóa trệ, hòa Vị giáng nghịch, cho uống Bảo hòa hoàn (Đan Khê tâm pháp) gia giảm.
Nếu Can khí phạm Vị, nôn mửa nuốt nước chua, đau trướng lan tỏa tới sườn, điều trị theo phép sơ Can hòa Vị giáng nghịch, cho uống bài Bán hạ hậu phác thang (Kim quỹ yếu lược) hợp với Tả kim hoàn (Đan Khê tâm pháp) gia giảm.
Nếu Đàm ẩm ngăn trở ở trong thì nôn mửa ra đờm rãi và nước trong, điều trị theo phép ôn hòa đàm ẩm, hòa Vị giáng nghịch, cho uống Tiểu bán hạ thang (Kim quỹ yếu lược) hợp với Linh quế truật cam thang (Kim quỹ yếu lược).
Ẩu thổ hư chứng, biểu hiện lâm sàng lúc thổ lúc dứt, thường do ăn uống không điều độ hoặc có chút mệt nhọc do lao động là phát bệnh, phần nhiều là ở sau trận ốm. Nếu là Tỳ Vị hư hàn, ăn vào thì mửa, ra nguyên đồ ăn không tiêu, bụng lạnh đau, điều trị nên ôn trung kiện Tỳ, hòa Vị giáng nghịch, cho uống bài Lý trung thang (Thương hàn luận) hoặc Hương sa Lục quân tử thang (Trương thị y thông).
Nếu là Vị âm hư thì lúc đau lúc không, khát nước, vùng bụng có cảm giác nóng rát, rêu lưỡi sáng tróc mảng, điều trị theo phép tư dưỡng Vị âm, giáng nghịch chỉ ẩu, cho uống Mạch môn đông thang (Kim Quỹ yếu lược) gia giảm.
Nói chung, ẩu thổ đột ngột phần nhiều thuộc Thực tà, điều trị chủ yếu, phải khử tà, tà rút đi sẽ hết nôn mửa. Ẩu thổ do ốm lâu phần nhiều thuộc chính khí hư, điều trị chủ yếu phải là phù chính. Trên lâm sàng còn một loại nôn khan phát thành tiếng nhưng không ra đồ ăn, về cơ chế bệnh và chứng trị gần giống với loại ẩu thổ.
- Lại như trong bệnh Phiên Vị xuất hiện chứng Vị khí thượng nghịch, đặc điểm chứng hậu là sau khi ăn vào, ứ đọng trong vị, sáng ăn tối thổ, tối ăn sáng thổ ra đồ ăn không tiêu. Phần nhiều do ăn uống thức sống lạnh hoặc ưu tư hại Tỳ, tổn thương Tỳ dương, xuất hiện trung tiêu hư hàn không làm ngấu nhừ được đồ ăn gây nên. Mỗn Âu thổ sách Thánh tế tổng lực viết: “Ăn đã lâu rồi lại mửa ra đó là do không có hỏa”. Môn Ẩu thổ sách Cảnh Nhạc toàn thư cũng viết: “Sáng ăn tối thổ, tối ăn sáng thổ là do ăn vào Trung tiêu không hóa được, là Vị hư”. Điều trị nên Ôn trung kiện Tỳ, giáng nghịch hòa Vị, cho uống Đinh hương thấu cách tán (Hòa tễ cục phương) hoặc Phụ tử lý trung thang (Hòa tễ cục phương) gia giảm.
- Lại như bệnh Ách nghịch xuất hiện chứng Vị khí thượng nghịch, là do khí nghịch xông lên, trong họng phát tiếng nấc liên tục, tiếng ngắn và luôn luôn khiến người ta không kiềm chế nổi, đời xưa gọi là Uế, phần nhiều do Vị khí nghịch lên tác động vào Cách, Phế khí mất sự túc giáng gây nên. Bởi vì đường mạch của Thủ Thái âm Phế kinh, bắt đầu từ Trung tiêu bên dưới liên lạc với Đại trường, quanh lên Vị khẩu, nên Cách thuộc vào Phế. Khí của Phế Vị đều chủ về giáng xuống, công năng của hai tạng xúc tiến lẫn nhau, khi có bệnh biến thì ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên điều trị chủ yếu nên giáng nghịch chỉ Ách, cho uống bài Đinh hương thị để thang (Chứng nhân mạch trị) gia Toàn phúc hoa, Tỳ bà diệp, Đao đậu tử.
- Ái khí, ợ hơi – cũng là một biểu hiện của Vị khí thượng nghịch, nhưng có tiếng trầm và dài hơn Ách nghịch, đa số có đặc điểm Vị quân trướng đầy, sau khi ợ hơi thì tạm thời dễ chịu, bệnh phần nhiều do Can khí hoành nghịch phạm Vị gây nên, điều trị nên sơ Can hòa Vị, dùng bài Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) gia giảm.
Trong quá trình diễn biến chứng này, vì Vị khí thượng nghịch có kiêm đàm, có biểu hiện đàm khí nghịch lên, xuất hiện chứng trạng ho ra nhiều đờm sắc vàng, thậm chí suyễn gấp, trong họng có tiếng đờm sèo sèo; Lại có thể do giao động về tình tự mà dẫn đến biểu hiện về khí uất, có các chứng ngực khó chịu, trướng bụng, đau sườn v.v… Người già ốm lâu, kho trung khí thiếu thốn mà xuất hiện Ách nghịch do Vị khí thượng nghịch, đó là hiện tượng nguy hiểm, lâm sàng cần hết sức quan tâm.
III. Chẩn đoán phân biệt:
- Chứng Vị mất hòa giáng và chứng Vị khí thượng nghịch: Vị là bể của thủy cốc, chủ về thu nạp và ngấu nhừ thủy cốc; Vị khí lấy giáng làm thuận. Nếu do ăn uống không điều độ, đói no thất thường hoặc ấm lạnh không thích nghi, đều có thể ảnh hưởng tới công năng hòa giáng của Vị, phát sinh Vị mất hòa giáng, gây nên bệnh biến Vị khí thượng nghịch. Nhưng chứng Vị khí thượng nghịch so với chứng Vị mất hòa giáng bệnh tình nặng hơn, thường là lúc đầu thì biểu hiện chứng Vị mất hòa giáng, có các chứng trạng vùng bụng bĩ đầy, không thiết ăn uống hoặc đau Vị quản, đại tiện không dễ dàng v.v… Bỏ lỡ cơ hội hoặc điều trị nhầm, bệnh tình nặng thêm, có thể dẫn đến chứng Vị khí thượng nghịch, phát sinh các chứng lợm lòng nôn mửa, nấc, phiên Vị…
- Chứng Can khí hoành nghịch với chứng Vị khí thượng nghịch: Can chủ sơ tiết, lấy điều đạt là thuận; Can khí uất kết thì sự sơ tiết không điều hòa. Phân tích theo phương diện sinh lý, sự thăng lên của Tỳ khí, sự giáng xuống của Vị khí, đều nhờ vào sự sơ tiết của Can; Nếu Can khí uất kết có thể hoành nghịch phạm Vị, Diệp Thiên Sỹ nói: “Can bị bệnh tất phạm Thổ, đó là “Vũ” cái mình hơn”. Can khí phạm Vị có thể khiến cho Vị mất hòa giáng, phát sinh các chứng Vị quán bĩ đầy, đau sườn đăng miệng, ợ hơi, không ăn được. Chứng Vị khí thượng nghịch cũng có các chứng ợ hơi, bụng trướng đầy đau, nhưng không có chứng đau sườn đắng miệng của Can khí hoành nghịch. Loại trên có liên quan tới tình tự bị giao động, còn loại sau thì chứng đó không rõ ràng.
- Chứng Xung khí thượng nghịch với chứng Vị khí thượng nghịch: chứng Xung khí thượng nghịch thuộc bệnh biến của Can Thận; Can Thận cùng ở Hạ tiêu, thất tình nội thương, khí kết khá nặng có thể men theo Xung mạch mà nghịch lên. Hạ tiêu dương hư, khí hàn thủy cũng có thể theo Xung mạch nghịch lên mà hình thành chứng Bốn đồn khí do Xung khí thượng nghịch. Nếu ảnh hưởng tới Phế khí không giáng xuống, có thể kèm theo chứng suyễn khái. Nếu ảnh hưởng tới Vị khí không giáng xuống, có thể kèm theo chứng buồn nôn. Nếu khí nghịch động đến Thần, có thể gây nên hồi hộp không yên… Chứng Xung khí thượng nghịch tuy cũng có thể ảnh hưởng tới sự thăng giáng của Vị khí mà phát sinh lợm lòng nón mửa nhưng lấy Bôn đồn khí là chứng chủ yếu của Xung khí thượng nghịch mà lợm mửa chỉ là chứng trạng kèm theo; Còn chứng Vị khí thượng nghịch thì lấy nón mửa là chứng chủ yếu. Đó là điểm phân biệt giữa hai chứng không khó khăn.
IV. Trích dẫn y văn:
- Vị dương tổn thương, Phủ bệnh lấy thông làm Bổ, nếu chỉ bo bo giữ gìn không thông suốt sẽ úng tắc mà nghịch lên (Tỳ Vị – Lâm chứng chỉ nam y án).
- Mạch Phu Dương Phù mà Sắc; Phù là hư, Sắc thì hại Tỳ. Tỳ bị hại thì mất tác dụng bào mòn, sáng ăn tối thổ, tối ăn sáng thổ, đồ ăn qua đêm không tiêu hóa gọi là Vị phiên (Ẩu thổ uế hạ lợi bệnh mạch chứng trị – Kim quỹ yếu lược).
- Chứng Vị suyễn, do Vị lạc không hòa, Vị nghịch thì suyễn. Nhưng sở dĩ gây nên nghịch, không do Hỏa thì do Thực với Đàm mà thôi (Y Biển).
Nguồn: Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong đông y – Vương Thục Lan
🔎 Tra cứu thông tin tiện ích hơn trên App Tuệ Y
🌐 Link tải CH Play: Tuệ Y